(TSVN) – Dự kiến vào tháng 10 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu u (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra 4 nhóm khuyến nghị mà EC đưa ra đối với khai thác thủy, hải sản, để xem xét có gỡ cảnh báo “thẻ vàng” hoặc áp dụng “thẻ đỏ”. Từ nay đến thời điểm đó không còn nhiều, do vậy nhiều địa phương đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp mạnh góp phần tích cực chống IUU.
Để phổ biến các quy định về chống khai thác IUU cho bà con ngư dân, tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU. Hàng tháng, hàng quý Ban chỉ đạo này sẽ tổ chức họp với các ngành, các địa phương liên quan, đồng thời đến thực tế tại từng địa phương để động viên bà con, giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Hiện nay, thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) được Chi cục Thủy sản Quảng Bình quản lý, vận hành, tổ chức ứng trực hàng ngày 24/24h. Từ trung tâm giám sát, cán bộ vận hành sẽ nắm được các tàu cá đang di chuyển và neo đậu. Nhờ giám sát chặt chẽ nên từ đầu năm đến nay, những tàu cá vi phạm đều bị cơ quan chức năng Quảng Bình xử phạt, không để ảnh hưởng đến việc chung tay gỡ “thẻ vàng”.
Ngư dân được phát thư kêu gọi chống khai thác IUU. Ảnh: ST
Từ năm 2021 đến nay tỉnh Bạc Liêu chưa có trường hợp tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Gỡ “thẻ vàng” của EC được xác định là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Song song với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, thời qua Bạc Liêu thường xuyên mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên ngành, liên tỉnh để kịp thời phát hiện cũng như xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU theo quy định.
Cùng với các địa phương trên cả nước, tỉnh Bến Tre đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU. Đặc biệt tỉnh cũng phát huy hiệu quả giám sát hành trình tàu cá; phối hợp với các lực lượng chức năng trên biển theo dõi, giám sát tàu hoạt động trên biển, tuyên truyền cho bà con ngư dân tuân thủ đúng quy định về chống khai thác IUU, phổ biến các nội dung về chống khai thác IUU thông qua hệ thống Đài truyền thanh các huyện ven biển, hệ thống truyền thanh 10 xã trọng điểm nghề cá và 3 cảng cá trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó Bến Tre cũng trao đổi thông tin, báo cáo định kỳ hàng tháng theo Quy chế phối hợp 8 tỉnh khu vực phía Nam trong quản lý tàu cá hoạt động khai thác trên biển.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là lỗi nghiêm trọng được phía EC đánh giá khi đưa ra khuyến nghị đối với thủy sản Việt Nam. Do đó, cùng với việc quản lý lượng tàu vào cảng, số lượng hải sản khai thác thì truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng phải cụ thể và chính xác. Đối với tàu cá nằm bờ, địa phương phải nắm bắt cụ thể, tàu đang neo đậu tại vị trí nào. Những tàu có chiều dài từ 15m trở lên nằm trong danh sách vi phạm về thiết bị giám sát hành trình (VMS) mà Trung tâm Thông tin thủy sản đã gửi thì địa phương phải xử lý dứt điểm. Riêng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phải kiên quyết không mua các sản phẩm vi phạm khai thác IUU.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ đạo: “Phải tập trung quyết liệt để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, điều này có ý nghĩa quan trọng và quyết định. Chúng ta phải đảm bảo được sản lượng khai thác ở các khu vực, các địa phương đều phải truy xuất được nguồn gốc, từ ghi sổ nhật ký, đến vùng khai thác, kinh độ, vĩ độ, đưa cá vào cảng và khi xuất khẩu các thị trường của châu Âu thì đều có hồ sơ từ khai thác đến các thị trường”.
Thùy Khánh