Quảng Bình: Bảo đảm an toàn cho cá lồng trong mùa mưa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, nuôi cá lồng cũng đang phải đối mặt với những rủi ro bởi ảnh hưởng của thiên tai, môi trường. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong mùa mưa bão, các hộ dân đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho lồng cá bè trên sông.

Phát huy lợi thế của dòng sông Son, một số hộ dân ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá bè trên sông. Hiện, toàn thị trấn có 635 lồng nuôi cá tập trung ở các tổ dân phố Xuân Tiến, Gia Tịnh, Xuân Sơn, Trằm Mé…

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Nha Trần Văn Tứ cho biết: Ngay trước mùa mưa lũ, hội đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nuôi cá lồng chú trọng kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi, đầu tư thêm thùng phao nổi, thay mới hệ thống lưới cũ, rách, chủ động tìm các vị trí an toàn để di chuyển lồng cá, giảm thiểu thiệt hại. Nhờ vậy, các hộ nuôi trồng đã chú trọng nâng cao chất lượng lồng bè, bảo đảm lồng bè đủ vững chắc để chịu đựng được gió mạnh và mưa lớn.

Các hộ dân thường xuyên kiểm tra để phát hiện và sửa chữa kịp thời những hư hỏng của lồng bè nuôi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Mẹo, tổ dân phố Na hiện có 2 lồng nuôi với khoảng 4 tạ cá trắm. Đây là loại cá có kích thước lớn và thời gian nuôi từ 4-5 năm mới thu hoạch nên công tác phòng tránh thiệt hại trước mùa mưa lũ là rất cần thiết. Để bảo đảm lồng bè hoạt động ổn định, người nuôi cá thực hiện kiểm tra và bảo trì định kỳ; thường xuyên rà soát dây buộc, cọc neo, lưới chắn để phát hiện và sửa chữa kịp thời những hư hỏng có thể xảy ra. Việc này không chỉ giúp cải thiện độ bền của lồng bè mà còn giảm thiểu nguy cơ thất thoát cá và thủy sản.

Ông Mẹo cho biết: “Để bảo vệ an toàn cho các lồng cá, tôi đã đầu tư gia cố hệ thống dây neo, chủ động di chuyển lồng, bè vào những nơi gần bờ có dòng chảy nhẹ để tránh khi mưa to, gió lớn xô đẩy lồng làm cá va đập mạnh vào thành lồng và tránh trôi dạt khi có mưa lũ”.

Cũng như ông Mẹo, ông Mai Tuyến, hộ nuôi cá lồng có quy mô lớn ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn). Ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, gia đình ông Tuyến đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho 16 lồng nuôi cá của gia đình. Với những lồng cá đã đạt kích cỡ thương phẩm, ông chủ động thu hoạch sớm để tránh thất thoát, đồng thời chú trọng kiểm tra, thường xuyên gia cố để bảo đảm an toàn cho lồng cá. Ngoài việc chằng buộc, neo kỹ để tránh xê dịch các lồng nuôi, một nguy cơ khác có thể gây ảnh hưởng đến lồng nuôi là lượng nước lớn làm thay đổi đột ngột hàm lượng oxy khiến cá sẽ bị ngạt.

Ông Tuyến chia sẻ: “Bên cạnh việc gia cố hệ thống lồng nuôi cá, tôi thuê thêm máy cung cấp oxy trong nước để tăng nhiệt độ oxy giúp cá khỏe trong thời điểm mưa lũ. Việc lắp đặt máy rất cần thiết để giảm những rủi ro, tuy nhiên kinh phí để mua máy rất cao nên rất ít hộ dân có thể trang bị cho lồng cá của gia đình. Bên cạnh đó, mưa lớn bất thường, cá thường có xu hướng giảm ăn nên việc điều chỉnh giảm lượng thức ăn phù hợp cũng rất được chú trọng để tránh tình trạng ô nhiễm thêm nguồn nước”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Tiến Sỹ, đang vào thời gian cao điểm của mùa mưa bão, sự chủ động của các hộ nuôi sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho các lồng cá, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Nông dân cần chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó với bão lũ, bao gồm việc theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo thời tiết và thông báo sớm từ các cơ quan chức năng. Trong trường hợp bão hoặc mưa lớn sắp đến, cần chuẩn bị sẵn sàng di dời thủy sản và các thiết bị quan trọng để bảo vệ tài sản và sinh kế của mình.

Bên cạnh đó, bà con cần phải chú ý đầu tư hệ thống bạt để che chắn nhằm giảm thiểu sức mạnh của dòng chảy tác động vào hệ thống lồng cá, đồng thời chắn được các loại rác thải, cây khô va vào thành lồng. Một giải pháp chủ động và bền vững hơn nữa là điều chỉnh kích cỡ con giống và thời gian xuống giống để bảo đảm thu hoạch cá trước mùa mưa lũ, góp phần bảo đảm an toàn cho các lồng cá và tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

“Chủ động các biện pháp phòng ngừa vẫn là giải pháp hữu hiệu mà các hộ dân nên áp dụng; đồng thời gia cố lại lồng bè neo đậu chắc chắn bởi mưa lũ xảy ra thì dòng chảy sẽ rất mạnh”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Tiến Sỹ chia sẻ thêm.

Mỹ Hạnh

Nguồn: Báo Quảng Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!