Cũng giống như bao quê biển khác, sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, người dân và chính quyền các xã bãi ngang phải gánh chịu những thiệt hại rất nặng nề. “Lời giải” cho sinh kế trước mắt và lâu dài của người dân nơi đây là gì? Để trả lời câu hỏi đó, thật sự không phải dễ dàng trong ngày một ngày hai…
Vừa đặt chân lên thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) gặp lại người quen cũ, ông Trần Văn Lĩnh, trưởng thôn kể ngay, dân chúng tôi sống được là nhờ nghề đánh cá biển. Và cũng nhờ nghề biển mà đời sống người dân ở đây đổi thay từng ngày. Nói không quá chứ, so với các thôn ở 3 xã bãi ngang này (Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam – PV), thì cuộc sống của ngư dân Bắc Hòa có khấm khá hơn.
Từ hồi cá chết, người dân ở đây khổ lắm. Như mấy năm trước đến thời điểm này (vụ cá nam – vụ cá chính của người dân biển bãi ngang – PV), ít ra mỗi người đi biển cũng “giắt túi” được 30 – 40 triệu đồng rồi. “Nhưng giờ, biển thế này thì làm sao để sống?”, ông quay sang hỏi tôi. Không chờ câu trả lời ông vội tiếp: “Về lâu dài không nói, nhưng với thực tế trước mắt, nhiều gia đình không biết xoay xở, chuyển đổi nghề như thế nào? Có người chuyển sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, có người phải bỏ vào Nam kiếm sống.
Như vợ chồng anh Nguyễn Duy Phương vừa mới làm nhà ra ở riêng, nợ 40 triệu đồng, vậy là 2 vợ chồng phải dắt díu nhau vào miền Nam làm thuê. Tìm đến nhà anh Phương, anh Nguyễn Văn Dũng, chú ruột của anh Phương cũng xác nhận như vậy. “Không những gia đình anh Phương, ở thôn này có khoảng 20 trường hợp như thế”, ông Lĩnh cho biết.
Mô hình nuôi cá lóc giúp người dân vượt qua khó khăn do sự cố môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam cho hay, từ ngàn đời nay, biển chính là sự sống của bà con nơi đây. Cũng là người dân miệt biển, nhưng do điều kiện đặc thù về điều kiện tự nhiên, so với những vùng quê biển khác, người dân bãi ngang vẫn phải “gánh chịu” những “thiệt thòi” cố hữu. Cuộc sống người dân bãi ngang vẫn phải quanh năm gắn chặt trên những chiếc bơ nan mỏng manh, nhỏ bé, chỉ vừa đủ để quẩn quanh trong vùng lộng.
Từ sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, cuộc sống của người dân bãi ngang lại càng khó khăn hơn, bởi nguồn sống, nguồn mưu sinh từ biển gần như bị cắt đứt. Đành rằng, đã là dân biển, thì đánh bắt hải sản là nghề chính, nhưng xem ra không thể cứ theo phương thức “độc canh” này mãi được.
Tôi hỏi: “Còn lựa chọn nào khác?”. Ông Hiến cho biết, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng bộ, đầu tư phương tiện khai thác hải sản theo hướng hiện đại. Trong đó, lấy ngư nghiệp là mũi nhọn; phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản gắn với mở rộng các loại hình kinh doanh-dịch vụ, chế biến sản phẩm. Vâng, đó là kế hoạch dài hạn. Còn trước mắt, người dân bãi ngang vẫn cần một “hướng đi” để thoát khỏi tình trạng như hiện nay.
Để mục sở thị” sự “thích nghi” với cuộc sống của người dân biển trong những ngày này, ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch Hội nông dân xã Ngư Thủy Nam dẫn tôi đến cơ sở chế biến cá khô của chị Nguyễn Thị Lớn ở thôn Liêm Bắc. Đây là cơ sở chế biến cá khô lớn nhất xã, những năm trước, vào dịp đỉnh điểm của vụ cá chính này, cơ sở của chị thu mua và chế biến cả chục tấn cá, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Thế nhưng, hiện nay cơ sở chế biến này đã dừng hoạt động. Chị Lớn cho biết, từ khi cá biển chết, cơ sở nghỉ luôn. Hàng chục khách đặt hàng từ đầu năm, nghe tin cá chết họ bỏ hợp đồng.
Chứ không vào thời điểm này, mỗi ngày chị phải thu mua từ 7 đến 10 tấn cá. Dịp cao điểm có cả 30 lao động làm cật lực mà vẫn không hết việc, với thu nhập 200 đến 300 ngàn đồng/người/ngày. Giờ chị chuyển sang đầu tư nuôi cá lóc và nuôi lợn. Thế nhưng, cá biển chết, ai dám mua cá ấy về làm thức ăn cho cá lóc.
Chị phải ra tận Nghệ An để mua cá với giá gấp đôi, gấp ba giá cá tại chỗ để làm thức ăn cho cá lóc. Hiện 4 hồ cá lóc (diện tích khoảng 2.000 m²) đã nuôi được 3 tháng, chỉ còn 1 tháng nữa là bắt bán. Tối nay, 50 con lợn giống sẽ nhập chuồng. “Không làm chế biến nữa, thì phải xoay sang nghề khác kiếm sống chứ”, chị tâm sự.
Cũng cần nói thêm rằng, không phải đến lúc này, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nước ngọt mới được người dân vùng bãi ngang này chọn lựa, mà từ nhiều năm nay, nơi đây đã rộ lên phong trào nuôi cá lóc, cá rô phi, cá trắm. Trong “cái khó” lại “ló cái khôn”, sau sự cố môi trường biển này, chăn nuôi, nuôi trồng từ thứ yếu đã trở thành “tâm điểm”.
Ông Lê Quang Hịnh, ở thôn Liêm Bắc cho hay, nhà ông có 2 hồ nuôi cá lóc (diện tích 170 m²), sau khi trừ đi chi phí, mỗi vụ ông thu được 25 đến 30 triệu đồng/vụ. Cộng với khoản lợi nhuận từ đàn lợn 30 con, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 50 triệu đồng nữa. Tuy không lớn, nhưng “góp gió thành bão”, tạo nên nguồn thu đáng kể cho gia đình trong những lúc khó khăn.
Theo thống kê của UBND xã Ngư Thủy Nam, chỉ 6 tháng đầu năm 2016, tại xã Ngư Thủy Nam số lượng hồ cá nước ngọt đã tăng 343 hồ lên đến 405 hồ, tăng 62 hồ, so với cùng kỳ năm 2015; đàn lợn tăng vọt từ trên 3.000 lên 5.000 con. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Lớn, thì điều người dân ở đây cần bây giờ là nguồn vốn ưu đãi cho bà con để “tiếp sức” cho việc chuyển đổi ngành nghề, đầu tư các mô hình sản xuất khác để mưu sinh.
Như vậy, hơn ai hết, chính bà con nơi đây đã nỗ lực khai thông thế bế tắc này bằng chính sự chủ động chuyển hướng sang sản xuất chăn nuôi, để tạo nguồn thu cho gia đình. Còn nói như ông Hiến, thì trong hoàn cảnh này, đó là sự lựa chọn phù hợp với người dân vùng biển bãi ngang. Bước tiếp theo, chính quyền địa phương sẽ thực hiện đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.
Nhìn về lâu dài, rõ ràng, đa dạng hóa ngành nghề cho người dân vùng bãi ngang, chẳng những giúp người dân nơi đây “thích nghi” và vượt qua những khó khăn như sự cố môi trường biển vừa qua, mà nó còn là nền tảng tạo đà cho mục tiêu hiện thực hóa việc chuyển đổi ngành nghề theo hướng đầu tư phương tiện khai thác hải sản hiện đại đánh bắt xa bờ, gắn với các loại hình kinh doanh – dịch vụ, chế biến thủy-hải sản trong những năm sắp tới.