THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Quảng Bình: Đầu tư tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kỹ thuật, công nghệ cao (CNC) trong nuôi tôm nhằm tăng năng suất, giảm rủi ro, đồng thời tăng thu nhập. Anh Trần Văn Nghĩa, ở thôn 2, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) là một ví dụ điển hình khi đã mạnh dạn chi hơn 20 tỷ đồng đầu tư công nghệ mới để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Với khát vọng làm giàu trên đồng đất quê hương, anh Trần Văn Nghĩa đã đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng CNC nhằm định hướng cho bà con học hỏi, làm theo.
Ban đầu, anh Nghĩa vào tỉnh Bến Tre để làm mô hình đồng thời học hỏi kinh nghiệm. Khi mô hình ở Bến Tre đã cho thu nhập ổn định, năm 2023, anh Nghĩa về quê, mua lại 6ha diện tích ao nuôi của người dân để đầu tư hệ thống nuôi tôm CNC CPF-Combine House. Anh cũng đã sử dụng thức ăn theo công thức 5G, tôm giống CPF Turbo G20, chế phẩm sinh học và công nghệ nuôi của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam để thực hiện mô hình.
Dù mới bước đầu thực hiện nhưng anh Nghĩa luôn có niềm tin thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của mình. Bởi, mô hình này ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, nước cấp vào ao nuôi được xử lý bằng Chlorine Gas (Clo khí) cùng với trang thiết bị CNC, như: Máy quạt tạo oxy, máy cho tôm ăn tự động, trạm phát điện, hệ thống hạ tầng ao nuôi đồng bộ… Đặc biệt, công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng mà anh áp dụng là công nghệ rất tiên tiến, nuôi trong nhà bạt cải tiến và nuôi theo 3 giai đoạn.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Trần Văn Nghĩa.

Anh Nghĩa cho biết, ban đầu anh lấy nước đầu vào ở sông Gianh, khi vào kênh sẽ được xử lý bằng hóa chất Clo khí, thuốc tím và PAC. Sau đó cho vào hệ thống ao lắng, đến khi hết hóa chất mới bắt đầu cấp vào ao nuôi. Với quy trình nuôi tôm CNC, anh sử dụng 100% chế phẩm vi sinh, thân thiện môi trường, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, quy trình nuôi sẽ chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, tôm giống mua về không thả trực tiếp vào ao nuôi như trước đây mà sẽ được nuôi trong ao vèo (ao ương) từ 25 ngày tuổi, thời gian này tôm con được chăm sóc kỹ lưỡng gần giống như môi trường trong trại sản xuất tôm giống; giai đoạn 2, khi tôm đã được 25 ngày thì cho tôm vào ao nuôi vừa để thích nghi với môi trường; giai đoạn 3, khi tôm khỏe, tăng trưởng ổn định sẽ cho vào ao nuôi chính thức.

Việc nuôi trong bạt lót và nuôi theo 3 giai đoạn có lợi ích là người nuôi chủ động điều chỉnh được các yếu tố môi trường nuôi, nuôi và thu hoạch quanh năm; trong quá trình nuôi còn hỗ trợ tôm phát triển tốt nhất theo từng chu kỳ sinh trưởng. Đặc biệt, nuôi tôm CNC thì chi phí nuôi sẽ thấp hơn nuôi truyền thống, hạn chế thấp nhất dịch bệnh, rủi ro, đem lại lợi nhuận, năng suất cao.

Anh Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh thủy sản, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Nuôi tôm quan trọng nhất là nhiệt độ, nhiệt độ lý tưởng cho tôm phát triển là từ khoảng 28-32°C. Do đó, nuôi tôm CNC sẽ sử dụng lưới che làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi (do lưới đã hấp thu một phần nhiệt) nên nhiệt độ hồ nuôi luôn được bảo đảm ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ, hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.

Ngoài ra, với công nghệ nuôi tôm này, người nuôi bắt buộc phải sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm. Mục đích chính của mô hình là đưa tôm đạt kích thước lớn nhất nhằm tăng năng suất và lợi nhuận cao nhất cho người nuôi, hạn chế được dịch bệnh; người nuôi còn có được sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh.

Hiện, tôm nuôi của anh Nghĩa đã hơn 65 ngày, trọng lượng khoảng 50-55 con/kg, tôm đang được tỉa thưa dần để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt kích cỡ lớn để có giá thành cao. Mỗi lứa tôm có thể tỉa thưa 3 lần, để giảm mật độ và sức tải của ao nuôi đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết: Hạ Trạch là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm với 260ha ao nuôi. Mô hình nuôi tôm CNC của anh Nghĩa là mô hình có nhiều điểm mới, kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hình thành phương thức sản xuất mới, khai thác ưu thế địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích mặt nước. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại để nuôi tôm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, hạn chế được rủi ro dịch bệnh.

Đến thời điểm này, mẻ tôm thả nuôi đầu tiên của anh Trần Văn Nghĩa chuẩn bị thu hoạch, sản lượng ước đạt 30 tấn. Dự toán lợi nhuận đạt khoảng 2,5 tỷ đồng.

Thanh Hoa
Nguồn: Báo Quảng Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!