Dạy “nghề” cho ngư dân bám biển (!)… Từ bấy lâu, đó là một quan niệm mà ít người làm công việc “bán mặt cho biển, bán lưng cho trời” nghĩ đến. Bởi, nghề này được ví như nghề “cha truyền con nối”, “anh đi trước dạy em theo sau”, mọi kinh nghiệm, kỹ năng được hình thành qua từng tháng ngày lênh đênh, “nếm mật nằm gai” và nhiều khi phải trả bằng những cái giá rất đắt.
Nhưng nay, mọi thứ đã đổi khác, lớp ngư dân hiện đại không chỉ được trang bị những máy móc, kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, mà trên tất cả, họ cần được đào tạo bài bản, tập huấn nghiêm túc về chính cái nghề cha ông để lại.
Anh Nguyễn Ngọc Huy (Mỹ Cảnh, Bảo Ninh) vừa tròn 31 tuổi, nhưng cũng đã gắn bó với nghề biển nhiều năm trời. Sau một thời gian nghỉ ngơi do sức khỏe, những năm trở lại đây, anh quyết định mua tàu mới với công suất 250CV và trở lại nghề truyền thống của gia đình. Đồng thời, anh quyết định tham gia học lớp đào tạo nghiệp vụ thuyền trưởng do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức vào đầu năm 2013 vừa qua.
Anh tâm sự, không chỉ riêng anh mà 55 học viên của lớp đều được học hỏi, mở mang nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích trong quá trình đào tạo. Nếu như trước đây, những kinh nghiệm mà anh có được là từ thực tế tích lũy lâu dài, “làm nhiều làm lâu” thành quen và tất nhiên, một vài trong số đó khó có được sự chính xác, hiệu quả. Thì bây giờ, qua sự giảng dạy của các giảng viên giàu kinh nghiệm, anh và nhiều học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về sử dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại, cứu hộ cứu nạn trên biển, Luật biển…
Hơn nữa, nhiều tình huống xảy ra đột xuất trên tàu được giả định và qua đó, học viên tập, biết, học cách xử lý kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, vai trò quan trọng, quyết định, chịu trách nhiệm cao của người thuyền trưởng được phát huy.
Theo anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), tính đến hết 6 tháng đầu năm 2013, toàn xã có 382 tàu cá với tổng công suất 44.235CV. Gần 100% các tàu đều đáp ứng những yêu cầu bằng, chứng chỉ về thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên. Những ngư dân đang đóng mới tàu hoặc nâng cấp thêm công suất cho tàu lại tiếp tục tham gia đào tạo để chuyển đổi hạng bằng ở cấp cao hơn.
Với 3.924 tàu cá với tổng công suất 253.562CV, nhu cầu đào tạo nghề chuyên sâu của ngư dân tỉnh ta là rất lớn.
Từ đầu năm 2013, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tổ chức 8 lớp đào tạo nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá cho 380 học viên, trong đó, 3 lớp thuyền trưởng, máy trưởng hạng IV gồm 191 học viên; 2 lớp thuyền trưởng, máy trưởng hạng V gồm 84 học viên; 3 lớp thuyền viên gồm 150 học viên.
Ông Lê Văn Lợi, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản khẳng định, hiện tại về cơ bản, nhu cầu đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho 3.924 tàu cá trên địa bàn tỉnh ta được đáp ứng đầy đủ. Một số địa phương có sự biến động thường xuyên nên Chi cục sẽ tiếp tục mở thêm các lớp đào tạo bổ sung.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc dạy “nghề” cho ngư dân bám biển không chỉ dừng lại ở đó. Họ-những người ngư dân thực thụ-vẫn rất cần được đào tạo, tập huấn về nhiều nội dung chuyên sâu khác để có thể tự tin vươn khơi, vượt con sóng.
Ông Đào Xuân Đội, thuyền viên của Tổ hợp tác Quyết Thắng (Hà Dương, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) cho biết, với 3 tàu biển có tổng công suất gần 1.000CV và 35 lao động, hàng năm tổ hợp tác của ông đều được hỗ trợ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về khai thác, bảo quản sản phẩm thủy hải sản, phòng chống cháy nổ trên tàu, cứu hộ, cứu nạn… Nhưng, ngư dân vẫn rất mong muốn được đào tạo với những lớp kỹ năng chuyên sâu, hiệu quả và mang tính ứng dụng thực tiễn cao hơn nữa. Một khảo sát sơ bộ gần đây tại một số xã biển cho thấy bên cạnh các nhu cầu đào tạo về kỹ thuật đi biển; sửa chữa máy móc, tàu biển, ngư cụ;… ngư dân còn quan tâm nhiều đến việc được đào tạo năng lực quản lý.
Trên thực tế, các tổ hợp tác, tổ đoàn kết đang được nhìn nhận là một trong những hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế biển. Bởi, tổ hợp tác, tổ đoàn kết góp phần bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá, hỗ trợ nhau trong khai thác thuỷ sản; thu hút và giải quyết việc làm, đời sống của người lao động được nâng cao, ổn định, giảm bớt chi phí sản xuất, giảm thiểu thiệt hại khi gặp rủi ro; hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và tự bảo vệ nhau trên biển…
Nghề đóng tàu thuyền ở Bố Trạch. Ảnh: P. V
Một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với việc duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, tổ đoàn kết chính là ngư dân còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý, điều hành. Đa phần cán bộ của các tổ hợp tác, tổ đoàn kết đều chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý kinh doanh, năng lực điều hành còn yếu, thiếu chuyên môn nghiệp vụ. Vì lẽ đó, việc tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng ngư dân trong tổ hợp tác, tổ đoàn kết dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, các kiến thức khác, như: giáo dục pháp luật, Luật Biển quốc tế, kỹ thuật và tiến bộ kỹ thuật khai thác hải sản, kiến thức phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá trên biển, sơ cứu người bị tai nạn, ốm đau, các kỹ thuật tự vệ khi có tàu nước ngoài, tàu lạ tấn công… cũng không thể xem nhẹ.
Theo ông Lê Văn Lợi, nguồn kinh phí của Chi cục mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ ngư dân đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên. Nếu có sự kết hợp giữa nhiều bên liên quan và nguồn kinh phí dồi dào hơn, Chi cục sẽ có điều kiện mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn nhằm đáp ứng nhu cầu dạy nghề đang ngày càng trở nên đa dạng, chuyên sâu của bà con ngư dân tỉnh ta.
Một nguồn đào tạo khác theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cũng là “cơ hội vàng” cho ngư dân được tham gia học nghề. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án này của tỉnh ta, trong danh mục các nghề đào tạo, nhu cầu học nghề và kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn, sự xuất hiện của nhóm nghề liên quan đến ngư dân lại không nhiều, gồm 2 nghề: nghề sửa chữa tàu thuyền (có 168 nhu cầu đào tạo, đã đào tạo được 56 lao động, 41 người có việc làm sau đào tạo) và nghề chế biến thuỷ sản (có 195 nhu cầu đào tạo, đã đào tạo 60 lao động, 44 người có việc làm sau đào tạo).
Trả lời cho thực tế này, ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, do nhu cầu đăng ký của người dân thấp, cho nên dù rất nỗ lực Sở cũng khó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho ngư dân. Sắp tới đây, một lớp sửa chữa tàu thuyền cho 30 học viên sẽ được mở, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu này. Vậy vì sao nhu cầu dạy nghề trong ngư dân cao, nhưng đăng ký học nghề lại thấp?
Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh giải thích, đơn giản rằng bởi chính tâm lý ngư dân vẫn còn mang “nặng” tính truyền thống. Nhiều người vẫn quan niệm học nghề suốt 3 tháng thì… “dài quá”(?), tâm lý của họ là muốn đi biển, muốn nhanh chóng làm nghề, sống với nghề, không muốn mất quá nhiều thời gian. Đó là chưa kể đến nhiều tư tưởng cố hữu cho rằng nghề này không cần học, “cứ làm khắc biết” vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Như vậy, rõ ràng dạy “nghề” cho ngư dân không phải việc đơn giản, một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt từ các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan cho đến chính quyền cấp cơ sở và mỗi ngư dân… Nên chăng, sự liên kết này cần lấy chính ngư dân làm gốc rễ. Đối tượng dạy nghề cũng được mở rộng, không chỉ nam giới mà cả nữ giới và quan trọng hơn, cần thiết phải có sự khảo sát, điều tra cụ thể, chi tiết hơn về nhu cầu đào tạo của ngư dân.
Qua đó, một chiến lược đào tạo nghề cá dài hơi, gắn kết với việc hình thành tổ hợp tác, tổ đoàn kết, nghiệp đoàn của ngư dân vùng biển được xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động khai thác biển.