(TSVN) – Thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, thời gian qua, ngành thủy sản cùng với các ngành, địa phương tại Quảng Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC và đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Bình, công tác tuyên truyền các quy định chống khai thác IUU, Luật Thủy sản cho cộng đồng và ngư dân đã được các cấp, ngành vào cuộc triển khai với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từ đó, nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt. Sở NN&PTNT lồng ghép thực hiện 32 hội nghị tuyên truyền với hơn 3.000 lượt ngư dân tham dự; cấp phát 8.000 tờ dán, 500 sổ tay pháp luật về chống khai thác IUU cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ; phối hợp các báo, đài thực hiện phóng sự, tọa đàm, tin, bài tuyên truyền. Bộ chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh cũng chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức 160 buổi tuyên truyền cho hơn 12.000 lượt ngư dân, cấp phát 5.106 tờ gấp, tờ rơi; tuyên truyền trực tiếp cho 942 lượt ngư dân, tổ chức cho 619 thuyền trưởng/chủ tàu ký cam kết không vi phạm IUU.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Sơn (tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) cho biết, thời gian qua, anh cùng các ngư dân khác đã được chính quyền địa phương tuyên truyền nhiều về IUU nên luôn tuân thủ quy định không vi phạm vùng biển nước ngoài khi tham gia đánh bắt thủy sản. Mong rằng, vì lợi ích chung, những ngư dân khi đánh bắt thủy sản cần tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản đã được cơ quan chức năng khuyến cáo.
Trong hoạt động tuyên truyền về chống khai thác thủy sản trái phép theo IUU và giữ gìn an ninh biển đảo của tỉnh Quảng Bình thì lực lượng Bộ đội Biên phòng được coi là mũi nhọn. Theo đó, các Đồn Biên phòng tuyến biển đã chủ trì, phối hợp với địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền cho ngư dân, tổ chức cho 619 thuyền trưởng/chủ tàu ký cam kết không vi phạm quy định của IUU. Đồn Biên phòng Roòn (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động thành lập và duy trì 22 “Tổ tàu thuyền an toàn” với 245 tàu đánh cá tham gia. Các “Tổ tàu thuyền an toàn” đã trở thành nòng cốt trong việc vận động ngư dân và hạn chế cơ bản những vi phạm trên vùng biển. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình khẳng định, gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ then chốt được triển khai song song với các nhiệm vụ khác trong thời gian qua; do vậy, nếu các lực lượng phối hợp tốt với nhau sẽ kiểm soát và ngăn chặn được tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Tại các địa bàn tuyến biển, cán bộ các đơn vị Đồn Biên phòng phối hợp với địa phương tổ chức truyền đạt cho ngư dân nắm rõ những nội dung cơ bản về: Hướng dẫn một số quy định khi ra khơi khai thác hải sản; quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá mất tín hiệu kết nối, vượt ranh giới cho phép trong quá trình hoạt động trên biển; hành vi vi phạm khai thác IUU và tác hại của khai thác IUU; quy định xử phạt một số lỗi thường gặp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng theo Nghị định 42 của Chính phủ. Cán bộ các đơn vị Đồn Biên phòng kết hợp phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về pháp luật, chống khai thác IUU tại các hộ gia đình, trên tàu, thuyền của ngư dân và tuyên truyền trên loa phát thanh của địa phương; nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho nhân dân, vận động ngư dân duy trì các tổ tàu thuyền đoàn kết, tàu thuyền an toàn trên biển.
Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Quảng Bình còn phối hợp với các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với những tàu cá có dấu hiệu vi phạm, không chấp hành pháp luật, tạm giữ giấy phép hoạt động nghề cá, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và xử phạt nghiêm theo quy định những trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần.
Ngày 22/4/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 621/UBND-KT về việc công khai hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Tổng số hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được Quảng Bình cấp phép là 1.207 giấy phép, gồm: Nghề lưới kéo 13 giấy phép, nghề lưới vây 119 giấy phép, nghề lưới rê 165 giấy phép, nghề câu 355 giấy phép, nghề chụp 527 giấy phép, nghề khác 5 giấy phép, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản 23 giấy phép. Số hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi đã cấp đến ngày 12/4/2021 là 1.043 giấy phép, gồm: Huyện Quảng Ninh 6 giấy phép, TP Đồng Hới 174 giấy phép, huyện Bố Trạch 293 giấy phép, thị xã Ba Đồn 344 giấy phép, huyện Quảng Trạch 225 giấy phép và huyện Tuyên Hóa 1 giấy phép.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo đơn vị chuyên môn, xã, phường có nghề cá thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn được biết số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy vùng khơi được Bộ NN&PTNT cấp cho tỉnh; hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản theo Quyết định số 3482/QĐ-UBND ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy sản thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT; trường hợp vi phạm quy định trong lĩnh vực thủy sản sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác thủy sản được quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Thủy sản năm 2017 cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn được biết, giám sát và thực hiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời để hoạt động chống khai thác IUU tại Quảng Bình mang lại hiệu quả thiết thực hơn, thời gian tới, Sở NN&PTNT Quản Bình sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, giám sát tàu cá, chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản; tiếp tục triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu cá vi phạm; hỗ trợ tập huấn, đào tạo cấp chứng chỉ tàu cá cho ngư dân; hướng dẫn sử dụng, quản lý trang thiết bị tàu cá, thiết bị giám sát hành trình đúng quy định; hướng dẫn ghi chép, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản…
Diệu An