Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã xây dựng thành công nhiều mô hình thủy sản, góp phần tăng nhanh sản lượng và giá trị sản xuất cho người dân.
Từ đa dạng đối tượng nuôi
Hiện vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước, ao hồ dẫn đến dịch bệnh trong các vụ nuôi. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã chuyển đổi sang nuôi các đối tượng thủy đặc sản như cá chẽm, cá bống bớp, cá chim vây vàng… trên ao nuôi tôm kém hiệu quả đang được một số hộ dân thực hiện nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, cải thiện môi trường ao hồ, hướng đến phát triển bền vững. Năm 2014, Trung tâm thực hiện mô hình nuôi cá chim vây vàng tại hồ nuôi ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch và phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn.
Tham gia mô hình, ông Lê Chiêu Bình, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch phấn khởi nói: Nhờ các yếu tố thuận lợi như thời tiết, nguồn nước, thức ăn… sau 4 tháng nuôi cá chim vây vàng tôi thấy tỷ lệ sống của loại cá này đạt gần 100%. Với giá thị trường khoảng 100.000 đồng/kg, hồ nuôi của ông Bình thu được 1,5 tấn, doanh thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng.
Mặc dù không có lợi nhuận cao so với nuôi tôm, nhưng theo ông Bình, nuôi cá chim vây vàng bền vững hơn, do đây là đối tượng thủy đặc sản nên thị trường tiêu thụ tốt, lại dễ nuôi, ít dịch bệnh và cải thiện được môi trường ao nuôi.
Nuôi cá đặc sản cho hiệu quả cao, được nhiều địa phương nhân rộng – Ảnh: Trần Út
Đến chuyển đổi nghề trong khai thác
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Quảng Bình, toàn tỉnh có 3.700 tàu, thuyền có công suất dưới 45 CV, trong đó gần 3.300 phương tiện công suất dưới 20 CV. Việc các phương tiện tập trung đánh bắt gần bờ với số lượng lớn không chỉ làm ảnh hưởng môi trường do xả chất thải mà còn gây ra tình trạng cạn kiệt, suy giảm nguồn thủy sản do khai thác quá mức. Xã bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh là một thí dụ. Toàn xã có 572 chiếc thuyền công suất dưới 20 CV làm các nghề te đẩy, kéo lưới tôm, giã cào… ở vùng ven bờ. Ngoài ra, để tăng sản lượng, một số ngư dân còn dùng phương tiện khai thác mang tính hủy diệt như nghề mành lùi kết hợp thả mìn, đánh mìn để lặn bắt, hoặc lưới kéo tôm sử dụng xung điện nên càng làm suy thoái môi trường biển và hủy diệt nguồn lợi. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các xã vùng biển bãi ngang của tỉnh hiện nay.
Để cơ cấu lại phương tiện khai thác ven bờ, tìm biện pháp chuyển đổi nghề khai thác hợp lý cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã triển khai nhiều mô hình khai thác. Trong đó, mô hình rê mực nang và rê thu ngừ đã phát huy hiệu quả tích cực, giảm chi phí chuyến biển, sản phẩm có tính chọn lọc và tham gia chế biến xuất khẩu. Mô hình rê thu ngừ sau khi trừ chi phí thu nhập 350 – 400 triệu đồng/chuyến biển, mô hình rê mực nang trừ chi phí thu lãi 120 triệu đồng/chuyến biển. Hiện nghề rê mực nang và rê thu ngừ được đánh giá là những nghề khai thác có hiệu quả đang được ngư dân đầu tư chuyển đổi.
Đánh giá về các mô hình triển khai, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình cho biết: Trong những năm qua, các mô hình vẫn tập trung vào chuyển đổi đối tượng nuôi mới năng suất chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và khai thác thuỷ sản xa bờ có giá trị hàng hoá cao. Trung tâm đã di nhập và nuôi thử nghiệm thành công nhiều đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao: Cá lăng chấm, cá bống bớp, cá đối mục, cá chim vây vàng, cá rô đầu vuông, cá sấu… Các mô hình đã đạt các mục tiêu, tiêu chí đề ra, thích nghi với các điều kiện môi trường và chăm sóc của bà con nông dân trong tỉnh.
Khó khăn nhân rộng
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Thanh Hải cho biết: Hầu hết các mô hình thủy sản đã được phổ biến và nhân rộng trong sản xuất, tùy điều kiện từng địa phương, khả năng đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm mà mức phổ biến có khác nhau. Trong các mô hình thì chỉ có mô hình nuôi cá sấu thành công nhưng áp dụng còn hạn chế do thị trường tiêu thụ khó khăn cả về thịt và da. Còn các mô hình khác vẫn đang được tiếp tục phát triển và nhân rộng nhất là các mô hình hỗ trợ khai thác đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên việc nhân rộng các mô hình thủy sản còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, khó khăn nhất của các mô hình nuôi thủy sản giá trị, chất lượng cao hiện nay chưa chủ động được nguồn giống (trừ giống cá đối mục do Công ty CP Thanh Hương sản xuất nhưng số lượng hạn chế), đa số nhập từ bên ngoài vào, vận chuyển đường xa, giá giống cao.
Qua các mùa vụ, người dân thường phản ánh về nhiều đối tượng nuôi phải kéo dài trên một năm như cá lăng chấm, cá đối mục, cá bống bớp thường hay gặp thiên tai, lũ lụt khó bảo vệ, dễ mất mát. Mặt khác chi phí đầu tư con giống, thức ăn quá lớn nhiều hộ không muốn mỡ rộng quy mô nuôi. Các mô hình khai thác chi phí đầu tư cao nhưng hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế chỉ đạt khoảng 20% giá trị mô hình.
Trong khi đó, Quảng Bình có nghề đánh bắt thủy hải sản phát triển, thị trường thực phẩm đa dạng, phong phú, do đó nghề nuôi cũng bị hạn chế do giá bán các sản phẩm khó.