T2, 06/07/2020 10:37

Quảng Bình: Nạn giã cào vẫn lén lút

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác thủy sản bằng nghề giã cào bay ở vùng gần bờ sẽ tác động xấu đến môi trường sinh thái vùng biển, làm giảm nguồn lợi thủy sản, gây nên sự tranh chấp ngư trường với ngư dân khai thác hợp pháp ở tuyến bờ, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh trên biển.

Tận diệt

Theo quy định tại Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tàu cá có công suất máy chính trên 90 CV không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, thời gian qua, trên các vùng biển tỉnh Quảng Bình xuất hiện các loại tàu cá công suất lớn (trên 350 CV) của ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận khai thác thủy sản bằng nghề giã cào bay ở vùng biển gần bờ với phương thức khai thác theo kiểu tận thu các loài động vật thủy sản, với nhiều kích cỡ khác nhau, thủy sản nhỏ đang phát triển, thủy sản đang thời kỳ mang trứng và thủy sản cấm khai thác, kể cả san hô… Điều đó đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, gây nên tranh chấp ngư trường với ngư dân khai thác hợp pháp ở tuyến bờ và thậm chí đã có trường hợp ngư dân dùng chất nổ để giải quyết tranh chấp ở vùng biển các xã thuộc huyện Lệ Thủy, mặc dù chưa xảy ra rủi ro tính mạng con người nhưng đã làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản của dân.

Tàu giã cào bay hoạt động ở biển Hải Hậu, Nam Định – Ảnh: Trần Huy

Nhưng thật đáng tiếc là bất chấp sự tuyên truyền và cảnh báo của cơ quan chức năng, một số tàu cá hành nghề giã cào vì lợi trước mắt vẫn lén lút khai thác, đặc biệt vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi: không bật đèn tín hiệu khi khai thác theo quy định hoặc nếu bị phát hiện thì phi tang công cụ xuống biển rồi bỏ chạy…

 

Cần ngăn chặn triệt để

Trước tình hình trên, một mặt Sở NN&PTNT Quảng Bình chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường hoạt động tuyên truyền, kết hợp với tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên biển; Mặt khác, Sở đề nghị tăng cường sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng phối hợp với lực lượng chuyên môn thuộc Sở để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm. Do vậy đến thời điểm này, tình hình tàu cá có công suất lớn khai thác gần bờ đã giảm hẳn. 9 tháng đầu năm 2013, lực lượng Thanh tra Thủy sản của Sở đã chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan, tổ chức được 53 đợt kiểm tra, với số phương tiện được kiểm tra 753 lượt tàu cá; phát hiện 98 tàu cá vi phạm; xử phạt số tiền 540.400.000 đồng; trong đó kiểm tra tàu cá giã cào khai thác ở vùng biển gần bờ 27 đợt; phát hiện và xử lý 48 tàu cá vi phạm; thu phạt 480.000.000 đồng.

Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra Thủy sản còn quá mỏng, phương tiện thiếu thốn, địa bàn quản lý ở vùng biển lại quá rộng, trong khi các ngành chức năng cấp huyện, xã chưa vào cuộc quyết liệt, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe… nên một số tàu cá hành nghề giã cào vẫn còn lén lút vi phạm.

>> Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, đảm bảo nguồn sinh kế bền vững của ngư dân ven biển và bảo vệ tài sản, tính mạng người khai thác trên biển, chính quyền cấp huyện, xã cần có trách nhiệm hơn với việc quản lý khai thác thủy sản tại địa phương, ngư dân khai thác phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Hoàng Viết Thông

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!