THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Quảng Bình: Nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh còn nhiều khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh, đoạn qua huyện Tuyên Hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, nghề này cũng gặp nhiều khó khăn do nước sông thường bị nhiễm mặn, lũ lụt, thiếu thức ăn cho cá, giá cả bấp bênh và nhiều rủi ro khác

Sông Gianh chảy qua nhiều xã của huyện Tuyên Hóa. Từ lợi thế này, hàng trăm hộ dân sống ven sông đã chọn nghề nuôi cá lồng làm kế mưu sinh. Để giúp bà con phát triển nghề nuôi cá lồng, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp nuôi hiện đại. Nhờ đó, nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh tại ở huyện Tuyên Hóa đang gặp nhiều khó khăn do những yếu tố tự nhiên và tác động của con người.

Xã Châu Hóa có 95 lồng cá nuôi trên sông Gianh thuộc thôn Kinh Châu và Thanh Châu. Cá lồng Châu Hóa chủ yếu ăn các loại rong, rêu, cỏ nên thịt chắc, thơm, ngon nổi tiếng khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Huề, thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa chia sẻ: “Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng cũng lắm gian nan, vất vả, bấp bênh do phụ thuộc vào con nước. Mỗi mùa mưa lũ, hạn hán, chúng tôi phải kéo lồng cá đến vị trí an toàn, mất rất nhiều thời gian, công sức”.

Nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh đã giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập

Bà Huề đang nuôi 4 lồng cá, chủ yếu là trắm cỏ, rô đơn tính và cá lăng chấm với nguồn thức ăn tự nhiên và cám. Đến mùa nắng hạn, nước sông nhiễm mặn nên người nuôi phải kéo lồng đi tránh mặn, còn mùa mưa thì phải kéo lồng đi tránh lũ. Tình trạng nước sông nhiễm mặn cũng khiến lượng rong rêu trên sông bị chết, ảnh hưởng đến môi trường nuôi.

Xã Mai Hóa cũng là địa phương có nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Gianh. Hiện, toàn xã có 11 lồng nuôi cá ở thôn Tân Hóa. Để giúp bà con nuôi cá, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn làm lồng, mua cá giống, lưới vây, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên những năm gần đây, số lượng lồng nuôi trên địa bàn giảm.

Bà Nguyễn Thị Nhung, ở thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa nuôi 5 lồng, chủ yếu là cá trắm cỏ. Nhờ nuôi gối vụ nên gần như thời điểm nào trong năm bà cũng có cá để bán với đủ các loại to, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, do nước sông Gianh lên xuống không ổn định nên mùa hạn thường thiếu thức ăn, ảnh hưởng đến quá trình nuôi cá.

Bà Nhung cho hay: “Nuôi cá lồng trên sông Gianh thuận lợi là có diện tích mặt sông khá rộng. Tuy nhiên, đến mùa lũ, nước mặn xâm nhập dẫn đến lượng thức ăn trên sông giảm đáng kể. Ngoài những khó khăn do con nước, thức ăn thì thị trường tiêu thụ cá cũng gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với cá lồng nuôi cho ăn bột từ các nơi khác đưa đến…”.

Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Hà Ngọc Thành cho biết: “Trước đây, người dân trong xã nuôi cá lồng trên sông Gianh khá nhiều. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên số hộ, lồng nuôi đã giảm so với trước. Để nghề nuôi cá lồng phát triển trở lại, xã cũng đã vận động bà con tiếp tục đầu tư lồng bè, con giống để nuôi tiếp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra nguồn nước để đưa ra cảnh báo cho người dân. Xã cũng đề nghị các cấp chính quyền có thêm những chính sách hỗ trợ cho người nuôi cá lồng; các cơ quan chức năng cần kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Gianh, nhất là việc khai thác lậu để không làm ảnh hưởng đến nguồn nước, thức ăn cho cá”.

Cá lồng ở Tuyên Hóa được khách hàng đánh giá cao về độ ngon nhưng việc thực hiện các chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ sản phẩm chưa được triển khai nên bà con phải tự lo “đầu ra” của sản phẩm, giá cả còn bấp bênh. Việc đầu tư lồng nuôi cá khá tốn kém, cộng thêm chi phí thức ăn, cá giống… nên số hộ dân tham gia nuôi còn ít, thậm chí giảm so với vài năm trước. Bên cạnh đó, cá thường mắc một số bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị khiến người nuôi lo lắng.

Huyện Tuyên Hóa luôn khuyến khích và hỗ trợ người dân nuôi cá lồng trên sông Gianh.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Cao Vũ Đăng cho biết: “Để giúp bà con nuôi cá lồng trên sông Gianh đạt hiệu quả, huyện đã tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản nhằm mở rộng quy mô nuôi, góp phần giảm nghèo; khuyến khích và hỗ trợ người dân kinh phí để mua con giống, làm lồng nuôi nhằm mở rộng quy mô. Phòng cũng thường xuyên cử cán bộ về những nơi bà con nuôi cá lồng để kiểm tra độ mặn của nước, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi thời tiết để có phương án bảo vệ lồng nuôi cá…

Huyện Tuyên Hóa có gần 400 lồng nuôi cá trên sông Gianh; sản lượng bình quân khoảng 440 tấn/năm. Cá lồng được nuôi chủ yếu là trắm cỏ, rô đơn tính, chép, lăng chấm… tập trung nhiều ở các xã: Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa…

Xuân Vương

Nguồn: Báo Quảng Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!