T2, 06/07/2020 10:02

Quảng Bình: Ngư dân bám biển làm giàu

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nhờ sẵn sàng bám biển, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích vươn khơi của các ban, ngành địa phương, nghề đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có bước phát triển đáng kể, giúp cho ngư dân từng bước thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Nông dân hỗ trợ ngư dân

Là tỉnh Duyên hải miền Trung, Quảng Bình có 18 xã, phường của 5 huyện, thành phố tiếp giáp với biển, chiều dài bờ biển 116,04 km, vùng biển đặc quyền kinh tế có diện tích 20.000 km2. Quảng Bình có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, trữ lượng khoảng 60.000 tấn, chưa kể các loại nhuyễn thể và rong biển.

Dựa trên tiềm năng đó, tỉnh Quảng Bình tập trung đẩy nhanh việc thực hiện phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, hiệu quả, cơ cấu ngành nghề phù hợp, đa dạng, từng bước hiện đại.


Đội tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình

Để xây dựng các mô hình, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ giải quyết việc làm… với số tiền bình quân 869,4 tỷ đồng/năm; đồng thời tổ chức 1.564 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, 65 lớp dạy nghề cho nông dân. Tổ chức chỉ đạo xây dựng 364 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản với nguồn vay 234,46 tỷ đồng, trong đó, có 122 mô hình vùng biển và phát triển kinh tế biển, với nguồn vốn đầu tư 84,38 tỷ đồng.

 

Và sự vào cuộc của chính quyền

Năm 2011, Sở NN&PTNT tổ chức 9 lớp đào tạo nghiệp vụ nghề cá, với 823 học viên tham gia; 8 hội nghị phổ biến Quyết định số 48/2010/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; tổ chức 2 lớp tập huấn về Luật Thủy sản và các quy định về Hiệp định Nghề cá Vịnh Bắc Bộ. UBND tỉnh đã ban hành cơ chế giải quyết khó khăn cho ngư dân tạm ứng kinh phí để lắp đặt đài tàu với số tiền gần 4,1 tỷ đồng và hỗ trợ ngư dân 51,789 tỷ đồng theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Từ đó, tạo điều kiện cho ngư dân tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, tiếp tục bám biển, nâng cao hiệu quả khai thác…

Phương tiện đánh bắt được đầu tư nâng cấp, đến nay đội tàu đánh cá toàn tỉnh có 4.987 chiếc, với tổng công suất 230.880 CV, trong đó có 960 tàu đánh bắt xa bờ, nhiều tàu đóng mới có công suất từ 300 – 450 CV được đầu tư thiết bị hiện đại. Toàn tỉnh lập được 265 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 1.406 tàu cá và 10.113 ngư dân tham gia để giúp nhau nâng cao hiệu quả khai thác, phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an ninh trên biển…

Song song việc khai thác thủy hải sản, ngư dân đã không ngừng mở rộng và liên kết các dịch vụ nghề biển như sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, dịch vụ xăng dầu, đá lạnh, thu mua chế biến thủy hải sản… góp phần đưa giá trị sản xuất thủy hải sản hàng năm tăng 9,05%, sản lượng đánh bắt tăng 7,66%. Đời sống ngư dân vùng biển được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5% – 4%/năm. Toàn tỉnh hiện có 13.226 hộ ngư dân, chiếm 29% số gia đình đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.            

>> Năm 2011, sản lượng đánh bắt của tỉnh là 41.400 tấn, trị giá 241,7 tỷ đồng, tăng 8% về giá trị và gần 2% về sản lượng so với cùng kỳ 2010. 5 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác đạt 15.592 tấn, đạt 38% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ, trị giá khoảng 95,8 tỷ đồng.             

T.K

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!