Nhằm tận dụng, phát huy lợi thế mặt nước trên các hồ, đập thủy lợi cũng như phát triển thêm đối tượng nuôi mới đáp ứng nhu cầu thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị trong lồng bè tại hồ đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Đây là hướng đi mới góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Quảng Bình là tỉnh có hệ thống sông suối, hồ chứa khá phong phú, phân bố ở nhiều địa phương, vừa là nơi tích lũy nước ngọt, vừa là bề mặt tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi cá nước ngọt. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa được Nhà nước quan tâm đầu tư nên có khả năng trữ nước phục vụ sản xuất quanh năm, điều tiết nước lũ. Việc tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào từ các công trình thủy lợi cùng với đầu tư bài bản, khoa học, phù hợp với từng địa phương sẽ giúp mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ chứa phát triển, tạo sinh kế cho người dân sở tại và các vùng lân cận.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2024, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ thử nghiệm mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ chứa thủy lợi tại 2 hồ An Mã, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) và hồ Troóc Trâu, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh). Việc tận dụng được mặt nước từ các hồ chứa cùng với việc đầu tư bài bản, khoa học sẽ giúp hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ phát triển mạnh mẽ. Từ đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo việc làm, bảo đảm an ninh dinh dưỡng, phát triển du lịch, gia tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào miền núi.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Troóc Trâu.
Tại hồ An Mã, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ mô hình cho hộ gia đình ông Đỗ Thái Kỹ với diện tích 360m2 (3 lồng). Tham gia mô hình, hộ nuôi được trung tâm hỗ trợ 50% giá trị con giống và thức ăn. Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi, ông Đỗ Thái Kỹ cho biết, gia đình ông nuôi cá nước ngọt trong ao đã lâu năm và chỉ nuôi cá diêu hồng, rô phi. Khi UBND tỉnh cho phép người dân được nuôi cá trên hồ, đập thủy lợi, được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình, gia đình đã mạnh dạn xin cấp phép và nuôi thử nghiệm các loại cá: Lăng, chình, diêu hồng ở lòng hồ An Mã.
Cá chình, cá lăng là đối tượng nuôi mới nên ông chưa có kinh nghiệm, nhưng nhờ được cán bộ của trung tâm giống thủy sản hướng dẫn trực tiếp nên ông đã tiếp thu được kỹ thuật. Hiện, hai loại cá này đang sinh trưởng và phát triển tốt. Cá chình đạt trọng lượng khoảng 0,7-0,8kg; cá lăng đạt 1,3-1,8kg. Riêng cá diêu hồng đã xuất bán và lợi nhuận cao hơn nuôi ao đất bởi tỷ lệ nuôi dày hơn, cá nhanh lớn hơn và tỷ lệ sống cao, chưa thấy xảy ra dịch bệnh.
Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình Phan Duy Thành cho biết: Qua theo dõi cho thấy, cá nuôi cá lồng bè trên hồ chứa thủy lợi có tốc độ phát triển nhanh, ít bị bệnh, dễ quản lý chăm sóc, không bị ảnh hưởng của dòng chảy. Đây là điều kiện quan trọng để hướng tới xây dựng sản phẩm cá chình, cá lăng, diêu hồng an toàn thực phẩm cũng như xây dựng quy trình VietGAP.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn, như: Đây là mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ chứa thủy lợi, liên quan đến an toàn và vận hành hồ đập nên phải làm thủ tục cấp phép qua nhiều đơn vị; lượng nước trong lòng hồ lớn nên quá trình xử lý phòng bệnh cho cá gây loãng thuốc, hiệu quả không cao; quá trình nuôi thời tiết diễn biến thất thường, giai đoạn từ tháng 9-10 mưa nhiều nước đục, nhiều phù sa nên đã gây ra một số bệnh ký sinh trùng, ảnh hưởng phần nào đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ cá sống…
Tại hồ chứa Troóc Trâu, Trung tâm Khuyến Nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh cũng đã thử nghiệm mô hình với 3 loại cá: Chình, lăng và diêu hồng với 4 lồng nuôi, mỗi lồng có diện tích 100m2. Hiện, cá đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa thấy dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, trọng lượng trung bình ở cá lăng đạt 1,2kg/con, tỷ lệ sống đạt 90%; cá diêu hồng 0,7kg/con, tỷ lệ sống đạt 85%; cá chình đạt 0,5 kg/con, tỷ lệ sống ước đạt 90%.
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết: Những năm gần đây, trung tâm đã đưa cá lăng, cá chình vào nuôi thử nghiệm với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trung tâm triển khai nuôi trong lồng bè tại các hồ chứa thủy lợi. Đến nay, 2 đối tượng cá lăng, cá diêu hồng đã cho kết quả thu hoạch, cá chình đã đạt kích cỡ theo yêu cầu thời gian đề ra. Riêng cá chình là đối tượng có thời gian nuôi dài mới đạt kích cỡ thương phẩm xuất bán nên các hộ dân đang tiếp tục chăm sóc theo dõi. Mô hình triển khai phù hợp với điều kiện nuôi ở địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nuôi.
Trung tâm sẽ liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân trong việc chọn mua nguồn giống ở những nơi tin cậy, uy tín cũng như kết nối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi cá tại địa phương, tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 152 hồ chứa, rất có tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, việc phát triển cần phải có sự quản lý, quy hoạch và hướng dẫn hỗ trợ của các cơ quan chức năng chuyên môn, tránh phát triển tràn lan. Các hộ nuôi phải đăng ký và được cấp phép nuôi cá lồng bè phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản, tránh gây ô nhiễm môi trường nước.
Thanh Hoa
Nguồn: Báo Quảng Bình