Quảng Bình: Nuôi tôm trên cát – Kỳ 1: Nông dân và doanh nghiệp lao đao

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm qua, hoạt động nuôi tôm trên cát ở tỉnh Quảng Bình phát triển khá mạnh đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và giúp nhiều người vươn lên khá giả. Tuy nhiên, kết thúc mùa vụ 2012, nhiều người nuôi tôm trong tỉnh đang lâm vào cảnh lao đao bởi có trên 160 ha nuôi bị mất trắng vì dịch bệnh. Điều đáng nói, không chỉ các hộ nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn mà các doanh nghiệp nuôi tôm cũng đang điêu đứng…

Dịch bệnh  tràn lan…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, năm 2012 toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát  là 290,34 ha và đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, trong đó thành phố Đồng Hới là địa phương có diện tích lớn nhất với 92 ha, Bố Trạch có 72,19 ha, Lệ Thủy 62,7 ha, Quảng Ninh 40 ha và Quảng Trạch 23,45 ha.

Toàn tỉnh có 96 cơ sở tham gia nuôi tôm trên cát với quy mô, diện tích khác nhau gồm: 86 cơ sở hộ gia đình và 10 Công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động nuôi tôm như: Công ty cổ phần Đức Thắng, Công ty TNHH Thanh Hương, Công ty Phú Thành Đạt, Doanh nghiệp Toàn Tâm, Công ty TNHH thủy sản Hưng Biển… Hầu hết các doanh nghiệp và hộ nuôi tôm trên cát đã tâm huyết đầu tư nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nuôi và tìm chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất.

Vụ nuôi năm 2012, diện tích thả nuôi cả năm đạt 393,8 ha (cả 3 vụ) với lượng giống thả là 401 triệu con. Nhưng khi tôm mới được khoảng 20 ngày đến 65 ngày tuổi thì bị dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh đã có 240,6 ha tôm nuôi bị dịch bệnh (chiếm 20,34% diện tích nuôi tôm), riêng diện tích bị dịch bệnh trên vùng cát tăng đột biến là 159,35 ha. Trong số diện tích đó, tôm chết vì nhiễm dịch bệnh do hội chứng hoại tử gan tụy là 133,6 ha, còn lại là đốm trắng 25,65 ha. Đối với bệnh đỏ thân, đốm trắng được xác định nguyên nhân nên các cơ sở nuôi đã xử lý kịp thời, hạn chế sự lây lan.   

Trong khi đó, hội chứng hoại tử gan tụy trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng với biểu hiện dễ nhận thấy là tôm ngừng ăn, bơi chậm, vỏ mỏng, màu tôm nhợt nhạt, gan tụy có biểu hiện sưng, nhũn và chết hàng loạt vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.  

Thêm vào đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng cao khi tôm nuôi ở các ao môi trường nước có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, oxy hòa tan thấp, độ mặn cao và các cơ sở nuôi không báo với Chi cục thú y khi tôm bị dịch bệnh để xử lý theo phương án phòng chống dịch bệnh mà tự ý xả nước ra môi trường bên ngoài nên dịch lan nhanh chỉ trong một thời gian ngắn và gây chết hàng loạt nhiều ao tôm.

Hộ nuôi và doanh nghiệp “khóc ròng”

Ông Trần Vĩnh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Hưng Biển (Đồng Hới) cho biết, công ty có diện tích nuôi là 15 ha với 22 ao nuôi tôm, 2 ao xử lý nước và 2 ao chứa lắng, có tổng vốn đầu tư trên 33 tỷ đồng. Năm 2012, công ty đã xuống giống 2 lượt với khoảng 45 triệu con giống trên cả 22 ao (tổng hai vụ là 44 ao). Do thời tiết khí hậu có nhiều chuyển biến thất thường nên tôm bị dịch bệnh tràn lan trên quy mô 26 ao, khi tôm chết thường đang ở giai đoạn từ 40-60 ngày tuổi trở lên và chủ yếu là bị hoại tử gan tụy. Số ao còn lại sản lượng không cao và bán với giá thấp nên doanh thu trong năm chỉ đạt trên 8,6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí cho thức ăn, thuốc và hóa chất, điện, khấu hao tài sản, lệ phí các loại…đã lên đến gần 25 tỷ đồng. Như vậy là công ty đã lỗ trên 16 tỷ đồng.

Một số cơ sở nuôi tôm trên cát chưa chú trọng đến quy hoạch nên gây nguy cơ mất an toàn cho môi trường. 

Một số cơ sở nuôi tôm trên cát chưa chú trọng đến quy hoạch nên gây nguy cơ mất an toàn cho môi trường.

Không ngoại lệ, Công ty cổ phần Đức Thắng (Đồng Hới), một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nuôi tôm trên cát cũng đang có hoàn cảnh tượng tự. Được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2005, đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng được 60 ha, có 90 ao nuôi tôm với tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng. Song trong năm 2012, đơn vị đã thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cho biết, lần đầu tiên sau 8 năm nuôi tôm, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty không đạt kế hoạch, trong 3 đợt thả nuôi với số lượng 120 triệu con tôm giống thì cứ “thả xuống là chết”. Số ao còn lại thu hoạch vớt vát được thì giá tôm bán thấp, trung bình 70 triệu đồng/tấn (thấp hơn 15-20 triệu đồng/tấn so với năm ngoái) đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty. Các doanh nghiệp nuôi tôm trên cát như Doanh nghiệp Toàn Tâm (Quảng Ninh), Công ty TNHH Thanh Hương (Lệ Thủy), DNTN Tĩnh Phương (Đồng Hới)… cũng chịu chung cảnh “khóc ròng” vì đều thua lỗ từ 6 đến vài chục tỷ đồng.

Đây là thực trang chung của cả doanh nghiệp và nhiều hộ nuôi tôm trên cát ở địa bàn tỉnh ta trong năm 2012. Ông Trần Đình Du, Phó giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, chưa bao giờ vùng nuôi tôm trên cát của tỉnh bị thất bại như năm vừa qua, gần 70% trong số diện tích nuôi thâm canh bị thiệt hại, số còn lại thì bán giá thấp nên hầu hết các cơ sở đều bị thua lỗ nặng, cá biệt có nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp gần như đứng bên bờ vực phá sản.


Và những tồn tại đáng lo ngại

Xuất phát từ thực tế kinh doanh, sản xuất của các hộ nuôi và doanh nghiệp cho thấy, hiện nay chất lượng tôm giống cung ứng và dịch vụ để thả nuôi khó kiểm soát. Năm 2012, lượng tôm giống thả nuôi 702 triệu tôm giống (riêng trên cát là 401 triệu con, chiếm tỷ lệ 57,2% lượng tôm giống thả nuôi toàn tỉnh) nhưng đã có 118 triệu tôm giống không có kiểm dịch. Bên cạnh đó, một số cơ sở nuôi là doanh nghiệp, công ty đều chọn mua giống từ các trại giống ngoại tỉnh phía Nam, có thương hiệu, uy tín như: Công ty Việt Úc, Công ty cổ phần Bình Định, Bình Thuận… song cũng có nhiều cơ sở vẫn mua tôm giống cỡ nhỏ, không đạt tiêu chuẩn, hoặc mua phải những lô tôm giống bị nhiễm khuẩn, chất lượng thấp nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ngoài việc khó kiểm soát thì tôm giống trên thị trường lại không bảo đảm chất lượng, ngay cả đối với những đơn vị được xem là uy tín. Minh chứng rõ nét nhất là qua báo cáo tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2012 của Tổng cục Thủy sản – Bộ NN & PTNT, kết quả phân tích 203 mẫu tôm giống từ 53 trại sản xuất tôm giống ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận cho thấy, 53,8% mẫu bị nhiễm khuẩn, trong đó phổ biến là các loại khuẩn đã gặp nhiều trong các mẫu bệnh phẩm hội chứng hoại tử gan tụy.

Công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi trên cát không được cơ quan chức năng quan tâm. Nhiều cơ sở nuôi không có ao chứa, xử lý nước cấp và chưa dành diện tích để xử lý nước thải. Cụ thể, trong 96 cơ sở nuôi tôm trên cát chỉ có 31 cơ sở thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chưa kể, nhiều cơ sở mặc dù lập báo cáo nhưng không thực hiện đúng như quy hoạch và báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Nhiều vùng nuôi như: Quảng Xuân, Quảng Thọ (Quảng Trạch) hình thành và phát triển tự phát nên ao hồ đầu tư xây dựng thiếu khoa học, gây nguy cơ mất an toàn cho môi trường.

Đáng nói, hội chứng hoại tử gan tụy xảy ra đối với tôm nuôi trên diện rộng nhưng công tác quản lý, phòng, chống dịch giữa người với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn chậm trễ, thiếu chặt chẽ và bị động. Đa số người nuôi tôm thiếu kinh nghiệm về quản lý môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản nên hiện tại việc xả thải nước ao nuôi tôm còn tuỳ tiện. Có cơ sở xả thải trực tiếp ra khu vực ven biển, cạnh nguồn nước cấp, là nguyên nhân lây nhiễm bệnh theo nguồn nước. Nhiều trường hợp cơ sở phát hiện và xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi chậm nên người nuôi tự do xả thải nước ở ao tôm bị bệnh ra môi trường chung làm dịch bệnh tràn lan.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá thành sản xuất cao nhưng giá bán lại tụt dốc… 1làm người nuôi tôm phải gánh chịu thiệt hại, khiến cả người nuôi tôm lẫn các doanh nghiệp đều rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở mếu”.     

N. L

Báo Quảng Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!