(TSVN) – Theo Cục Thống kê Quảng Bình, hoạt động nuôi trồng thủy sản tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng khá. Hiện đang vào thời điểm thu hoạch nên sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng.
Sản lượng thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 10.924,2 tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 9.017,0 tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 832,3 tấn, tăng 1,6%; thủy sản khác đạt 1.074,9 tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 58.508,7 tấn, tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 48.622,2 tấn, tăng 3%; tôm các loại 3.218,6 tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác 6.667,9 tấn, tăng 2% so cùng kỳ năm trước.
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, nuôi tôm nước lợ, nuôi cua, nuôi hàu… ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ mới; nuôi cá nước ngọt áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.
Quảng Bình đang hướng đến đầu tư có mũi nhọn cho các mô hình nuôi thủy sản giá trị cao. Ảnh: Thanh Hoa
Sản lượng thu hoạch tháng 7/2024 ước đạt 1.710,3 tấn, tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá 1.080 tấn, tăng 2,9%; tôm 615,1 tấn, tăng 1,8%; thủy sản khác 15,2 tấn, tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7.000,7 tấn, tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá 4.700 tấn, tăng 3,3%; tôm 2.165,4 tấn, tăng 2%; thủy sản khác 135,3 tấn, tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước.
Công tác sản xuất giống được chú trọng hơn, các cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo ra con giống chất lượng, sạch bệnh và sức chống chịu cao; tổ chức, phát triển hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. 7 tháng đầu năm 2024, số lượng con giống tôm thẻ chân trắng sản xuất được là 1.855 triệu con, tăng 0,6% so cùng kỳ năm trước.
Diện tích thả nuôi thủy sản ở Quảng Bình là khoảng trên 6.700 ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ là hơn 1.700 ha, nuôi nước ngọt gần 5.000 ha, số nuôi lồng là trên 2.000 ha. Nhiều mô hình nuôi thủy sản có giá trị cao như: ốc hương, hàu Đại dương, cá bớp, cá chẽm, cá dìa, cá lóc, tôm thẻ chân trắng, giúp người dân thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hiện, địa phương đang hướng đến đầu tư có mũi nhọn cho các mô hình nuôi thủy sản giá trị cao, nhằm giúp người dân tăng thu nhập. Qua đó, để Quảng Bình từng bước phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, hiện nay, chúng tôi đang nhân rộng và duy trì các đối tượng nuôi biển, chúng tôi sẽ phát triển thêm nuôi ở đập lớn, một số đối tượng cá nước ngọt, để tạo điều kiện cho bà con miền núi làm kinh tế về thủy sản ổn định.
Đối với nghề nuôi tôm, thời gian tới địa phương khuyến khích, vận động người dân dồn ghép, tập trung mặt nước, đầu tư cơ sở nuôi tôm đồng bộ để áp dụng khoa học công nghệ mới; rà soát, quy hoạch và quy hoạch lại các vùng nuôi tôm theo hướng xác định các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để tập trung phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh; chuyển đổi nâng cấp các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh.
Đồng thời, quy hoạch một số vùng cát ven biển để phát triển diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp các khu du lịch sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật nuôi mới (nuôi công nghệ sinh học, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tuần hoàn ít thay nước…) nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tôm; thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường trong và ngoài nước về nhu cầu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm… để các tổ chức, cá nhân chủ động điều chỉnh hoạt động nuôi, hạn chế thiệt hại trong sản xuất.
Nguyễn Hằng