(TSVN) – Theo Cục thống kê Quảng Bình, thời tiết quý I/2024 tương đối thuận lợi cho việc khai thác thủy sản. Đồng thời đây cũng là thời điểm trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản tăng, khai thác và nuôi trồng đều tăng sản lượng. Sản lượng thủy sản quý I/2024 ước đạt 17.778 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước.
Theo đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.086,6 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý I/2024, sản lượng giống tôm thẻ chân trắng ước đạt 657,8 triệu con, tăng 1% so cùng kỳ. Ngoài ra, có một số con giống như cá trắm, baba… đang nuôi với quy mô nhỏ. Diện tích thả nuôi thủy sản ở Quảng Bình là khoảng trên 6.700 ha, trong đó diện tích nuôi mặn, lợ là hơn 1.700 ha, nuôi nước ngọt gần 5.000 ha, số nuôi lồng là trên 2.000 ha.
Tình hình dịch bệnh thời gian qua cơ bản được kiểm soát tốt, các hộ nuôi cải tạo, tu sửa gia cố hồ, ao nuôi, bờ đê ruộng lúa cho vụ nuôi mới. Công tác nghiên cứu, sản xuất giống thủy hải sản trên địa bàn được chú trọng, giúp quản lý hiệu quả, giảm rủi ro, tăng năng suất, chất lượng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngư dân Quảng Bình trúng đậm cá cơm. Ảnh: Minh Phong
Hiện, nguồn lợi đánh bắt thủy sản đang có chiều hướng giảm dần. Do vậy, để giúp người dân ven biển có thu nhập ổn định, Quảng Bình đang tập trung xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế như: ốc hương, hàu Đại dương, cá bớp, cá chẽm, cá dìa, cá lóc, tôm thẻ chân trắng, giúp người dân thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Đàm Như Thế, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản tổng hợp thôn Trung Minh, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch cho biết, việc chuyển đổi từ nghề làm lúa sang nuôi thủy sản đã mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả kinh tế, với thu nhập bình quân 50 triệu đồng/hộ, có hộ hơn 100 triệu đồng, cá biệt có hộ lên đến 400, 500 triệu đồng. Lợi nhuận gấp vài chục lần so với làm lúa trước đây.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Bình, hiện nay, đại phương đang nhân rộng và duy trì các đối tượng nuôi biển, phát triển thêm nuôi ở đập lớn, một số đối tượng cá nước ngọt, để tạo điều kiện cho bà con miền núi làm kinh tế về thủy sản ổn định.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên hoạt động khai thác thủy sản trên biển được tăng cường, bà con ngư dân trong tỉnh nỗ lực vươn khơi, bám biển. Do vậy, sản lượng khai thác thủy sản đạt khá ở các nghề chụp mực, lưới rê… Theo đó, quý I/2024, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 15.691,4 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ.
Đặc biệt, trong tháng 3/2024, ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi. Theo nhiều ngư dân, vụ cá cơm thường vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm. Cá cơm thường có ở vùng lộng, cách bờ vào khoảng 6 – 10 hải lý. Năm nay, sản lượng cá cơm tăng gấp đôi, gấp ba vụ cá năm trước.
Tại bến cá khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tàu thuyền liên tục cập bờ cùng nhiều hải sản. Ông Nguyễn Công Tâm, ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, trung bình mỗi chuyến khai thác được 7 tấn đến 10 tấn cá cơm, có tàu trúng 15 tấn đến 20 tấn. Giá cá cơm từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, nhiều tàu thu nhập cả trăm triệu đồng chỉ sau một đêm đánh bắt.
Cá cơm đưa về bờ đều được các chủ cơ sở chế biến mua hết, chủ yếu để chế biến nước mắm. Sản lượng đánh bắt cao, giá bán tăng nên các ngư dân rất phấn khởi. Cùng với cá cơm, nhiều tàu thuyền còn khai thác được khá nhiều cá hố và cá trích.
“Hiện, đơn vị đang tiếp tục cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết, chỉ đạo ngư dân khai thác thủy sản trên biển an toàn; hướng dẫn người dân thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại các địa phương, lồng ghép tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản…”, ông Lê Ngọc Linh chia sẻ thêm.
Năm 2024, Quảng Bình phấn đấu đạt sản lượng nuôi thủy sản là trên 13.500 tấn. Quảng Bình đang hướng đến đầu tư có mũi nhọn cho các mô hình nuôi thủy sản giá trị cao, nhằm giúp người dân tăng thu nhập. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để chống khai thác bất hợp pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nam Cường