Quảng Bình: Thực trạng chế biến thủy sản – Kỳ 1: Chưa xứng tiềm năng

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm qua, hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh ta đã có bước phát triển tích cực. Kéo theo đó, ngành chế biến thủy sản cũng đã có sự thay đổi, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trong cùng trong một lĩnh vực nhưng giữa hoạt động chế biến thủy sản nội địa truyền thống và chế biến xuất khẩu lại trái ngược nhau…

Đa dạng các sản phẩm chế biến truyền thống

So với trước đây, hiện nay sản phẩm chế biến thủy sản truyền thống tại tỉnh ta bao gồm rất nhiều nhóm hàng đa dạng và phong phú như: thủy sản khô (cá khô, mực khô), nước mắm các loại, mắm các loại, cá muối, ruốc… Song sản xuất nước mắm vẫn là nghề chiếm số lượng lớn nhất với gần 800 cơ sở chế biến chủ yếu theo hình thức hộ gia đình và tập trung ở các địa phương ven biển như: Đức Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Xuân (Quảng Trạch), Bảo Ninh, Quang Phú (Đồng Hới), Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy)…

Nhờ vậy, sản lượng chế biến nước mắm hàng năm bình quân đạt khoảng 2.400.000 lít đến 2.500.000 lít và trên 70% tổng sản lượng phục vụ cho nội tỉnh. Tiếp đến chế biến thủy sản khô đứng thứ 2 với khoảng gần 200 cơ sở chế biến, cung cấp cho thị trường tiêu thụ sản lượng bình quân trên 820 tấn/năm. Riêng các nhóm hàng còn lại sản lượng không cao và quy mô sản xuất nhỏ. Cá biệt, có một vài sản phẩm phục vụ cho ngành du lịch, được nhiều du khách biết đến và tìm mua làm quà như: mực khô, nước mắm loại 1.  

Đáng ghi nhận nữa là trong vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở chế biến đã đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản phẩm và thậm chí đã in nhãn mác và đăng ký bảo hộ chất lượng cho thương hiệu sản phẩm như: nước mắm Quy Đức ở xã Đức Trạch, nước mắm Khánh Cường ở xã Bảo Ninh, nước mắm Nhân Nam ở xã Nhân Trạch…

Mô hình tổ thu mua chế biến thủy sản khô  tại xã Bảo Ninh (Đồng Hới)

Mô hình tổ thu mua chế biến thủy sản khô tại xã Bảo Ninh (Đồng Hới)

Một trong những địa phương tiêu biểu cho sự chuyển đổi mạnh mẽ này chính là xã Bảo Ninh. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết, từ những cơ sở nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình với sản lượng 2-4 tạ/năm, đến nay trong xã đã xuất hiện khá nhiều cơ sở chế biến thủy sản có quy mô lớn theo hình thức tổ, đội và HTX.

Mô hình tổ thu mua chế biến thủy sản của gia đình chị Đào Thị Tám, ở thôn Đông Dương là một mô hình làm ăn hiệu quả. Với diện tích trên 1.000 m2, gia đình chị đã thành lập tổ thu mua chế biến thủy sản và đầu tư nhà xưởng, nhà kho, máy sấy và mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại như: quạt điện, lò sấy, giàn phơi… để phục vụ cho sản xuất các loại mắm và chế biến khô. Đáng kể, vào những tháng chính vụ, gia đình chị thu mua từ 60- 70 tấn cá tươi mỗi tháng vì vậy tổng sản lượng chế biến của gia đình chị đạt từ 140- 160 tấn hải sản các loại/năm, trong đó riêng chế biến nước mắm là 40 tấn, xuất ra thị trường khoảng 70.000 lít nước mắm, còn sản phẩm khô gồm cá cơm, mực, cá ve, cá thưởng.  

Các sản phẩm chế biến dần khẳng định được uy tín trên thị trường tiêu dùng. Có được kết quả đó, một phần nhờ sự ủng hộ và tin dùng của người tiêu dùng song cũng chính nhờ sự đầu tư về kỹ thuật, tay nghề nên chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao. Điển hình như xã Cảnh Dương, là địa phương có nghề sản xuất nước mắm truyền thống nổi tiếng.

Toàn xã hiện có gần 30 cơ sở chế biến nước mắm có tiếng và nói về lĩnh vực này ở Cảnh Dương, không ai không biết đến cơ sở chế biến nước mắm của ông Nguyễn Văn Lược và bà Phạm Thị Hợi. Có quy mô sản xuất khoảng 30.000 lít nước mắm/năm, gia đình ông Lược luôn lấy chất lượng làm đầu vì vậy thị trường tiêu thụ sản phẩm này không chỉ ở trong tỉnh mà còn ra các thành phố khác và tận thủ đô Hà Nội.


Ảm đạm thị trường xuất khẩu

So với hoạt động chế biến thủy sản nội địa truyền thống thì chế biến thủy sản xuất khẩu luôn được tỉnh quan tâm và đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở. Tuy nhiên, trái ngược với sự sôi động của lĩnh vực chế biến thủy sản nội địa truyền thống, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang diễn ra khá ảm đạm, ngưng trệ.

Quay trở lại thời điểm năm 2008, toàn tỉnh có 5 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng công suất 3.300 tấn/năm, chủ yếu là các sản phẩm cá, mực, tôm tươi hoặc ướp đá và được xuất đi tiêu thụ tại các thị trường như: Trung Quốc, Nhật và Châu Âu. Các cơ sở gồm: Nhà máy đông lạnh xuất khẩu thủy sản Sông Gianh công suất 1.000 tấn/năm, Xí nghiệp thủy sản Sông Gianh công suất 300 tấn/năm, Nhà máy chế biến nông, thủy sản Phú Hải công suất 1.000 tấn/ năm, Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu thủy sản Đồng Hới công suất 500 tấn/năm, Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Đại Thịnh công suất 500 tấn/năm. Trong thời kỳ này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn đã áp dụng tiêu chuẩn HACCP, một số đơn vị đã áp dụng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ.

Tuy nhiên, trải qua một thời gian hoạt động, đến nay các doanh nghiệp đã “rơi rụng” gần hết và trên thực tế chỉ còn lại hai doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang hoạt động có hiệu quả là Xí nghiệp thủy sản Sông Gianh và Nhà máy đông lạnh xuất khẩu thủy sản Sông Gianh (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Năm Sao). Song trên thực tế, Xí nghiệp thủy sản Sông Gianh chưa đủ điều kiện để xuất khẩu trực tiếp nên chỉ làm một số mặt hàng gia công và xuất khẩu ủy thác qua đơn vị khác với sản lượng thấp.


Nguyên nhân

Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay chế biến thủy sản trong tỉnh chưa thực sự tương xứng với tiềm năng nghề biển. Bởi lẽ, sản lượng đánh bắt của tỉnh ta thuộc loại cao trong vùng Bắc Trung bộ (đứng thứ 3 trong vùng) nhưng lượng sản phẩm hàng hóa có giá trị cao chưa nhiều và kim ngạch xuất khẩu lại đạt thấp so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.

Chế biến nước mắm ở xã Đức Trạch (Bố Trạch).

Chế biến nước mắm ở xã Đức Trạch (Bố Trạch).

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan mà xuất phát từ các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản.

Đó là do thiếu nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản dẫn đến hoạt động cầm chừng, không đạt công suất thiết kế. Các doanh nghiệp chế biến chưa tạo được mối liên kết hợp tác với người nuôi và người khai thác nên không chủ động được nguồn nguyên liệu, dẫn đến tình trạng sản xuất cũng mang tính thời vụ. Rồi do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu năng lực và trình độ quản lý kém đã không đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đi liền là việc đầu tư các trang thiết bị công nghệ lạc hậu nên cơ cấu sản phẩm chế biến còn đơn điệu, không cạnh tranh được với các đơn vị ngoại tỉnh.

Trong khi đó, năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế nên sản phẩm khó tiếp cận với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, một số cơ sở sau nhiều năm liền kinh doanh thua lỗ đã chuyển chủ đầu tư nhưng vẫn không hiệu quả nên không tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, nguyên nhân chính và sâu xa nhất dẫn đến tình trạng ngưng trệ hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu hiện nay chính là do các đơn vị không ổn định về nguồn vốn dẫn đến sản xuất kém hiệu quả và thua lỗ, phải ngừng sản xuất.

Đối với hoạt động chế biến thủy sản nội địa truyền thống, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn đang tồn tại những hạn chế cần khắc phục nhằm chiếm lĩnh và ổn định thị trường đồng thời vươn ra xa hơn ở các tỉnh, thành khác. Các cơ sở chế biến nội địa mặc dù sử dụng nguồn nguyên liệu từ khai thác thủy sản tự nhiên nhưng đa phần vẫn sản xuất theo phương thức thủ công, sơ sài và nhỏ lẻ, chưa tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghiệp như muối cá, lọc, đóng chai, bao bì…

Do vậy, mẫu mã các sản phẩm chế biến khi đến tay người tiêu dùng vẫn chưa thực sự bắt mắt, thời gian sử dụng ngắn và khó khăn trong việc vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa điểm xa. Ở các cơ sở chế biến hàng khô như: mực, cá, tôm… thì hình thức về bao bì, nhãn mác các sản phẩm còn sơ sài, đóng gói thủ công nên giá trị kinh tế không cao.

                                                                                         N.L 

Theo Báo Quảng Bình

                                                                     Kỳ 2: Cần có giải pháp tổng thể

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!