(TSVN) – Năm 2024, ngành thủy sản Quảng Bình gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, chỉ đạo sát sao của ngành Nông nghiệp, cùng với sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp nên sản xuất thủy sản cơ bản ổn định và đạt được những kết quả tích cực.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, người dân trên địa bàn toàn tỉnh thả nuôi với diện tích 6.777 ha, đạt 102% so kế hoạch, trong đó, diện tích nuôi mặn lợ 1.672 ha; diện tích nuôi ngọt 5.105 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 13.507 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi mặn lợ 4.675 tấn, sản lượng nuôi ngọt 8.832 tấn.
Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT Quảng Bình đã chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn khung lịch thời vụ thả nuôi; hướng dẫn các kỹ thuật nuôi mới nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế; ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trên đối tượng nuôi để thích ứng với thời tiết thay đổi; đồng thời, chỉ đạo, khuyến khích nuôi biển đối với một số đối tượng có giá trị kinh tế như cá bớp, ốc hương và nuôi thủy sản nước ngọt như nuôi cá mặt nước lớn, nuôi cá lồng hồ chứa thủy lợi không cấp nước sinh hoạt,…
Năm 2024, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 13.507 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ. Ảnh: ST
Về khai thác thủy sản vẫn cơ bản duy trì. Điều kiện thời tiết trên biển trong những tháng đầu năm khá thuận lợi nên hoạt động khai thác hải sản xa bờ của ngư dân được tăng cường về thời gian và mở rộng ngư trường, sản lượng khai thác có mức tăng trưởng khá. Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 86.010 tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được các ngành chức năng tiếp tục thực hiện. Năm 2024, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã chủ động phối hợp các đồn biên phòng tuyến biển, chính quyền địa phương tổ chức 4 đợt kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 31 trường hợp vi phạm, chủ yếu tập trung vào các lỗi không ghi, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác, tàng trữ xung điện, không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định,…
Việc theo dõi và xử lý tàu cá mất kết nối giám sát hành trình (VMS) và tàu cá vượt ranh giới trên biển cũng được thực hiện tích cực, quyết liệt. Trong năm 2024, đã có 5.719 lượt/1.044 tàu mất kết nối 6 giờ đến 10 ngày và trên 10 ngày, các đơn vị liên quan xác minh 3.443 lượt/883 tàu mất kết nối do lỗi vệ tinh của VNPT và hiện đang chờ hướng dẫn xử lý.
Đối với tàu vượt ranh giới trên biển đã phát hiện 36 tàu và xác minh được 22 tàu, xử phạt 5/6 tàu cá vi phạm, với số tiền 665 triệu đồng; còn 14 tàu đang tiếp tục xác minh và củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định. Những kết quả trên, góp phần ngăn chặn, hạn chế, giảm thiểu vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng, chống khai thác IUU và nâng cao nhận thức của người dân.
Để ngành thủy sản tiếp tục thắng lợi trong năm 2025, Chi cục Thủy sản Quảng Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo ngư dân chủ động theo dõi thời tiết và khai thác ở các ngư trường theo quy định, phù hợp với nghề nhằm phát huy hiệu quả; hướng dẫn tổ chức sản xuất khai thác thủy sản trên biển theo tổ, đội đoàn kết, tổ hợp tác, tổ biển xa nhằm hỗ trợ, chia sẻ tìm kiếm ngư trường, đối tượng khai thác, nâng cao hiệu quả sản xuất và kịp thời hỗ trợ ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định diện tích, lồng nuôi hiện có; xây dựng chính sách hỗ trợ để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng.
Nguyễn An