Ngày 29/7, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Nam (KTBVNLTSQN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013 Quảng Nam đã thành lập thêm 4 Tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển (TĐKTB) với tổng cộng 14 tàu trên 90CV, nâng tổng số TĐKTB của tỉnh đạt 104 đơn vị với 844 tàu.
Việc ngày càng có nhiều TĐKTB không chỉ giúp ngư dân đánh bắt hải sản hiệu quả hơn mà còn giúp ngư dân hỗ trợ nhau rất tốt trong việc bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTSQN, ông Nguyễn Văn Giỏi, cho biết: “Các chi phí đi biển ngày càng tăng, sản xuất trên biển gặp không ít khó khăn, thế nhưng với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tỉnh, bà con ngư dân Quảng Nam vẫn tiếp tục đầu tư đóng mới và cải hoán nâng cấp tàu có công suất trên 400CV để có đủ khả năng mở rộng ngư trường ở vùng biển xa như Trường Sa, Hoàng Sa. Và cũng chính nhờ ngày càng có nhiều TĐKTB nên việc đánh bắt thủy hải sản của bà con ngư dân vẫn đạt hiệu quả cao. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 đạt trên 35.000 tấn. Cũng chính nhờ phát huy vai trò TĐKTB mà hoạt động sản xuất trên biển thời gian qua an toàn, đời sống của ngư dân tương đối ổn định”.
Một tổ đoàn kết sản xuất trên biển chuẩn bị đồ nghề để đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa
Rõ ràng từ chỗ chỉ hoạt động riêng lẻ, đơn độc trên biển, từ khi có TĐKTB ra đời đã phát huy tình thần đoàn kết, hỗ trợ nhau mọi mặt, nó trở thành sức mạnh của ngư dân trên Biển Đông. Như vụ 2 tàu cá QNa – 901009 và tàu QNa – 91135 đã vượt sóng to gió lớn, quyết cứu hộ thành công tàu cá QNa – 90334 (thuộc tổ đoàn kết 11 xã Tam Giang). Ông Phạm Quyến – Chủ tàu QNa – 90334 kể lại: “Nếu như trước đây hoạt động đơn độc một mình thì tàu của tôi trong lúc đó không cứu hộ kịp. Vì lúc bấy giờ sóng quá to, gió lớn, tàu chết máy trôi dạt nguy cơ nằm lại giữa biển khơi là rất lớn. Chờ đất liên ra càng mong manh. May mắn thay, chúng tôi đã được tàu QNa – 901009 và tàu QNa – 91135 ứng cứu kịp thời, lai dắt vào bờ an toàn”. Theo các ngư dân trường hợp cứu hộ khẩn cấp như vậy không phải hiếm đối với các TĐKTB ở Quảng Nam.
Thấy được hiệu quả tích cực từ TĐKTB, huyện Núi Thành có 5 xã vùng biển với bờ biển dài 42km với số tàu thuyền nhiều nhất tỉnh trên 1.200 tàu thuyền đánh bắt trên biển đã nhanh chóng thành lập 42 TĐKTB. Không chỉ giúp nhau nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển mà qua các TĐKTB, công tác tuyên truyền về quy chế khu vực biên giới biển và các văn bản pháp luật liên quan cũng như việc thành lập lực lượng dân quân biển (LLDQB) rất hiệu quả.
Tuy nhiên theo nhiều ngư dân để mô hình TĐKTB ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn thì việc xây dựng các TĐKTB phải dựa theo tiêu chí “3 cùng” là cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và được chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và Chi cục KTBVNLTS kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kịp thời. Nhất là việc xây dựng Quy ước nội bộ sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng loại nghề nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong quá trình tổ chức khai thác hải sản, tiêu thụ sản phẩm và phòng, chống bão, sự cố, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương!