(TSVN) – Mô hình nuôi cá chình trong bể tuần hoàn bước đầu cho thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ giúp nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.
RAS (Recirculation aquaculture system) là hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn. Điểm khác biệt cơ bản của RAS so với phương pháp nuôi truyền thống trong ao mở ngoài trời là tạo hệ sinh thái trong các bể (bồn) trong nhà với môi trường được kiểm soát. Từ đó việc nuôi được thực hiện theo mô hình tuần hoàn lọc và làm sạch nước để đưa về các bể nuôi.
Từ thực tế cho thấy RAS thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững mà thế giới đang hướng đến. Cụ thể, công nghệ này cho phép kiểm soát mọi yếu tố đầu vào, điều kiện nuôi và xả thải. Do đó môi trường nuôi được tạo điều kiện để không, hoặc rất hạn chế, sử dụng kháng sinh và thuốc.
Bên cạnh đó, bằng việc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ lọc hiện đại, chu trình nuôi giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng và nước, giảm lượng phát thải CO2. Công nghệ cho phép thiết lập các cơ sở nuôi trồng tại những địa điểm đa dạng, ít bị ảnh hưởng bởi thay đổi khí hậu và gần thị trường tiêu thụ hơn. Hệ thống RAS bao gồm bể nuôi, bể lọc cơ học, bể lọc sinh học, bể lắng, hệ thống điều khiển tự động,…
Cá chình có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt cá thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Ảnh: ST
RAS hiện đã được áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,… Ở nước ta, công nghệ này đang được áp dụng trong quá trình nuôi một số loài thủy sản có giá trị thương mại cao như sản xuất tôm giống, nuôi cá chình, cá mú, chạch lấu,…
Cá chình có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt cá thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Cá chình có thể nuôi ở trong ao, hồ, trong lồng hoặc bể xi măng. Đây cũng là loài ít bệnh, khả năng thích nghi cao nên được nuôi ở nhiều địa phương,
Tại Quảng Nam, việc nuôi cá nước ngọt tại địa phương gặp nhiều trở ngại do chủ yếu nuôi trong ao đất, nguồn nước nuôi cá kết hợp từ nguồn nước cung cấp cho sản xuất lúa nên khó khăn trong việc cấp nước cho ao nuôi.
Do đó, từ năm 2018, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, kỹ sư Nguyễn Văn Quang đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cá chình (Anguilla marmorata) trong bể xi măng bằng phương pháp lọc nước tuần hoàn”, với bể nuôi 20 m2.
Sau 2 năm thử nghiệm, đề tài đã cho kết quả khả quan. Với 325 con cá giống, sau 24 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá chình đạt 98,5%, kích cỡ thu hoạch 2 kg/con. Hệ thống RAS giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, chất lượng nước, tạo điều kiện tối ưu cho cá sinh trưởng và phát triển nhanh.
Với tín hiệu tích cực trên, năm 2024, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc đã thực hiện chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi cá chình theo RAS.
Theo đó, có 3 hộ tham gia mô hình với 8 bể nuôi, 2.500 con giống. Các hộ tham gia được trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống và thức ăn công nghiệp (đảm bảo hơn 42% độ đạm). Trung tâm đã tổ chức nhiều buổi tập huấn để chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi. Đồng thời, trong suốt quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hiện việc lắp đặt các bể nuôi và hệ thống lọc tuần hoàn; kiểm tra tất cả chỉ số môi trường nước trước khi thả cá giống.
Kết quả, sau 6 tháng thả nuôi, cá chình đạt trọng lượng trung bình 300 g/con, tỷ lệ sống 98%, cá ít bị dịch bệnh do quản lý tốt được môi trường nước. Theo tính toán, khả năng sau 24 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình trên 1,7 kg/con. Mỗi bể nuôi bình quân sau 2 năm thu hoạch được khoảng 300 kg cá, giá bán cá chình thương phẩm dao động từ 450.000 – 520.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu được ước hơn 80 triệu đồng/bể (7 – 12 m3).
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc chia sẻ: “Đến nay, huyện Đại Lộc đã có 11 hộ nuôi cá chình theo RAS, nhiều nhất ở các xã Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại Thắng. Định hướng sắp tới sẽ nhân rộng ra toàn huyện với 100 – 150 hộ, nuôi khoảng 100.000 con giống. Khi đó, sản lượng cá chình nuôi sẽ đạt khoảng 50 – 70 tấn/năm, doanh thu hàng năm từ 25 – 30 tỷ đồng. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện dự định áp dụng công nghệ RAS vào nuôi các loài thủy sản khác như chạch lấu, lươn,…”.
Thanh Hiếu
Nuôi cá chình theo công nghệ RAS có lợi thế là chỉ cần diện tích tương đối nhỏ, khoảng 50 - 100 m2 là có thể nuôi được 2 - 5 bể cá (mỗi bể có thể tích 7 - 12 m3 nước), đảm bảo cho người dân có thể tự nuôi trong gia đình, kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.