Hiện nay việc khai thác hải sản không đúng quy định về ngư trường, sử dụng mắt lưới nhỏ hơn giới hạn cho phép, sử dụng chất nổ, xung điện vẫn tái diễn trên địa bàn tỉnh.
Khai thác tràn lan
Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2010/NĐ-CP, quy định 3 ngư trường khai thác hải sản tương ứng với công suất của tàu thuyền khai thác được xác lập. Vùng ven bờ chỉ được khai thác hải sản với các thuyền có công suất từ 20CV trở xuống; tuyến lộng được khai thác bởi các tàu có công suất từ 20CV đến 90CV và vùng khơi được khai thác bởi các tàu có công suất lớn (từ 90CV trở lên). Tuy nhiên, dọc theo vùng biển Quảng Nam, việc khai thác hải sản vẫn tràn lan, không tuân theo các quy định của nghị định này. Thống kê sơ bộ của Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam: năm 2012 có hơn 30 vụ vi phạm, năm 2011 là 35 vụ. “Mặc dù đã được phổ biến rõ ràng về ngư trường khai thác tương ứng với công suất của các loại tàu thuyền nhưng các sai phạm vẫn tái diễn. Đã có nhiều trường hợp, các đối tượng vừa mới bị phạt đã lại vi phạm tiếp. Do khai thác ở các tuyến lộng và tuyến khơi không hiệu quả, nhiều tàu có công suất lớn, đặc biệt là các tàu theo các nghề vây trũ, giã cào, pha xúc đã “lấn sân” để khai thác ven bờ”, ông Ngô Văn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Nam cho biết.
Chuẩn bị khai thác hải sản ven bờ. Ảnh: Q.Việt
Ngoài những vi phạm nêu trên, các vi phạm về kích thước mắt lưới cũng đã diễn ra trong hoạt động khai thác hải sản. Nhiều phương tiện đã dùng các loại ngư cụ có mắt lưới nhỏ hơn quy định khi khai thác ở cả tuyến ven bờ và tuyến lộng. Đó là các loại lưới vây rút chì (quy định kích thước mắt lưới là 18mm), lưới rê cá trích (28mm), lưới pha xúc đánh bắt cá cơm (10mm) vẫn có mắt lưới nhỏ hơn quy định, tái diễn nhiều lần. Với cách khai thác theo kiểu tận diệt đó, nguồn lợi thủy sản ở các khu vực gần bờ ngày một cạn kiệt hẳn đi. Nhiều ngư dân biết hậu quả này nhưng họ vẫn khai thác với cách lập luận theo kiểu “cha chung không ai khóc”. “Chúng tôi vẫn biết rằng, dùng ngư cụ có mắt lưới quá nhỏ đã giết chết nhiều loại cá non. Tuy nhiên, vì sinh kế nên chúng tôi phải dùng các loại lưới nhỏ như vậy để đánh bắt. Chi phí sản xuất đã ngày một tăng lên thì bán thêm các loại cá nhỏ khai thác được cũng “chia sẻ” thêm được một khoản phí sản xuất” – ông Trần Linh (Điện Dương, Điện Bàn), chủ tàu cá QNa 03471- TS nói.
Khó kiểm soát
Một nguy cơ khác có thể khiến cho các loại hải sản ven bờ bị tận diệt là nạn khai thác bằng các loại chất nổ, điện, xung điện. Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, rất khó để có thể kiểm soát được vấn đề này. Thứ nhất là thiếu hụt về lực lượng, bởi hiện tại, lực lượng thanh tra thủy sản của tỉnh chỉ được biên chế 5 người. Thứ hai là thiếu và yếu về phương tiện tuần tra. Đến thời điểm này, ngành chức năng rất khó để có thể tiếp cận các đối tượng sai phạm khi đã phát hiện, bởi ngoài tàu kiểm ngư cũ kỹ, thiếu thiết bị hiện đại. “Theo kế hoạch được duyệt, mỗi năm chúng tôi chỉ được đi thanh tra trên biển 10 lần. Mỗi lần như vậy cũng diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, thường là 2 ngày. Việc kiểm soát hoạt động đánh bắt hải sản rất khó. Hằng năm, chúng tôi cũng tổ chức các lớp tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi hải sản cho các địa phương ven biển nhưng chuyển biến về nhận thức của ngư dân rất ít” – ông Ngô Văn Định nói.
Một vấn đề khác cũng khiến cho việc khống chế các hoạt động khai thác hải sản trái phép gặp khó là sinh kế của người dân. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), để cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, xã khuyến khích tất cả hoạt động sản xuất trên biển chứ chưa chú trọng tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn lợi hải sản bằng cách giảm thiểu khai thác gần bờ đối với các phương tiện khai thác có công suất cao, hạn chế sử dụng mắt lưới nhỏ. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Điện Dương cũng cho rằng, ngư dân địa phương chủ yếu sử dụng các phương tiện khai thác hải sản có công suất nhỏ nên cứ khuyến khích họ sản xuất bằng cách giúp họ chủ động lựa chọn ngư cụ và ngư trường khai thác. Điều đó quan trọng hơn các cách thức sản xuất tiên tiến, ưu tiên ngư trường, hạn chế các loại hải sản nhỏ, giá trị kinh tế thấp.
Theo PGS – TS. Nguyễn Chu Hồi, Trung tâm Nghiên cứu biển & hải đảo, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc khai thác hải sản gần bờ bằng các ngư cụ có mắt lưới nhỏ là phát triển thiếu bền vững. “Nghề cá mang lại nguồn thực phẩm chủ yếu, cung cấp việc làm và lợi ích kinh tế cho chính những người lao động nghề cá. Tuy nhiên, chúng ta đã và đang chứng kiến nguồn lợi hải sản, mặc dù là tài nguyên tái tạo, đã bị suy giảm nghiêm trọng. Môi trường nào thì sinh vật đó. Bởi vậy, nguồn lợi hải sản ven bờ bị suy giảm sẽ kéo theo suy giảm về môi trường biển, mất dần đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái… Vì thế, cần phải được quản lý hiệu quả và bền vững hơn. Ổn định được việc này, chúng ta sẽ thu được lợi ích kép và nhiều hơn thế nữa. Đó là giảm thiểu các tác hại về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, nước biển dâng…” – PGS- TS. Nguyễn Chu Hồi nói.