Đang vụ sản xuất chính, những ngày qua tàu cá của ngư dân Quảng Nam liên tục cập cảng với những chuyến biển bội thu rồi lại hối hả vươn khơi. Mặc dù thường bị tàu Trung Quốc tấn công, cản trở nhưng nhiều phương tiện vẫn kiên tâm bám biển, giữ ngư trường.
Bám giữ ngư trường
Gặp chúng tôi khi đang bán hải sản vừa đánh bắt được tại vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Đỗ Công (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) – chủ tàu cá QNa 90226 có công suất 565CV theo nghề lưới vây, hồ hởi: “Thời tiết thuận lợi, tàu chúng tôi gặp luồng cá lớn. Anh em dự tính chuyến này sản xuất trên biển khoảng 25 ngày nhưng lại vào bờ sớm hơn dự kiến một tuần. Ai cũng phấn khởi với thành quả sản xuất trên biển trong những ngày qua”. Sau 18 ngày vươn khơi sản xuất, tàu cá của gia đình ông Công thu được 15 tấn cá nục và cá ngừ, bán được 300 triệu đồng, trừ chi phí chủ tàu thu nhập 120 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia 8 triệu đồng. “Gần đây tình hình trên biển Đông, đặc biệt là ở ngư trường Hoàng Sa diễn biến phức tạp. Tàu của Trung Quốc thường xuyên phá hoại, cản trở trong quá trình khai thác nhưng chúng tôi vẫn quyết bám biển, vươn khơi. Biển là nghề của mình, mình khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước thì không sợ bất cứ thế lực nào” – ông Công nói”.
Ngư dân Núi Thành chuẩn bị chuyến đánh bắt dài ngày ở vùng biển Hoàng Sa – Ảnh: Võ Lê
Cũng tại xã Tam Quang, tàu cá QNa 91134 có công suất 683CV của ngư dân Đỗ Nhựt ở thôn Sâm Linh Đông cũng vừa cập cảng. “Thu được 20 tấn cá nục và cá ngừ khi bám biển tại ngư trường Hoàng Sa trong 20 ngày qua là thành quả lớn của tàu cá chúng tôi. Với chuyến biển này, chủ tàu thu được gần 150 triệu đồng, các “bạn” được chia gần 10 triệu đồng, ai cũng vui mừng. Bán xong số hải sản này, chúng tôi liền tiếp nhiên liệu và chuyển lương thực, thực phẩm để vươn khơi ngay” – ông Nhựt nói. Ông Nhựt kể, tàu Trung Quốc luôn áp sát, đuổi bắt, tấn công tàu cá của ngư dân Quảng Nam trong những ngày qua. Nhờ sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nên ngư dân đã vượt qua được những thời điểm khó khăn, yên tâm bám biển. “Khi chúng tôi đi qua khu vực Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép thì rất nhiều tàu của họ áp sát, xua đuổi và dùng vòi rồng phun nước. Mặc dù biết sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm nhưng nhờ đi theo đoàn nên phương tiện chúng tôi vẫn vượt qua điểm nóng này, bám giữ ngư trường quen thuộc bấy lâu nay” – ông nói.
Đoàn kết vươn khơi
Thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Có thể nhận thấy hiệu quả của mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, đã có đến hơn 120 tổ, đội đoàn kết được thành lập trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 8.000 lao động trong 873 tàu cá. Một thời gian dài, thông tin liên lạc 2 chiều giữa tổ, đội đoàn kết với cơ quan quản lý, lực lượng biên phòng và cảnh sát biển còn hạn chế, gây khó khăn trong nắm bắt thông tin về hoạt động sản xuất trên biển. Nguyên nhân dễ nhận thấy là khi thực hiện mô hình, nhà nước đã chưa có các chính sách hỗ trợ phù hợp trong khi đó do thiếu kinh phí nên các tổ, đội hạn chế lắp đặt các trang thiết bị liên lạc cần thiết như máy Icom, thiết bị hệ thống định vị toàn cầu GPS. Đến thời điểm này, nhờ kiện toàn hệ thống liên lạc giữa trạm bờ và tàu cá của ngư dân cũng như tập huấn, giúp ngư dân sử dụng thành thạo các thiết bị liên lạc để sẵn sàng kết nối với lực lượng chức năng khi cần thiết nên thông tin 2 chiều luôn đảm bảo. Nhờ đó mà lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển đã có thể sát cánh, đồng hành trợ giúp ngư dân khi đối mặt với các tình huống gặp phải trong quá trình khai thác.
Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, hành động gây hấn của Trung Quốc kéo dài trong nhiều năm qua đã không gây nao núng cho ngư dân Quảng Nam. Họ vẫn luôn vươn khơi xa làm ăn ở những ngư trường truyền thống đã được khẳng định chủ quyền và quyết giữ lợi ích hợp pháp của mình. “Dù phía Trung Quốc có nhiều hành động gây hấn, cản trở nhưng nhiều ngư dân vẫn vững vàng, vẫn tiếp tục bám biển sản xuất gắn chặt với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển luôn đồng hành với ngư dân trong các chuyến bám biển. Bởi vậy, ngư dân luôn được trợ sức mạnh mẽ và yên tâm vươn khơi, sản xuất tại các vùng biển của Tổ quốc” – ông Ngô Tấn nói.