T6, 23/02/2024 03:00

Quảng Nam: Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định ban hành mới đây, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%/năm; trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 – 9,5%/năm.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh về nông nghiệp, tỉnh sẽ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành, trong đó khuyến khích các loại hình kinh tế tập thể liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến sâu; phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động khởi nghiệp. Hình thành một số cụm liên kết ngành trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp với một số doanh nghiệp lớn làm hạt nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm vệ tinh.

Tỉnh Quảng Nam chủ trương chuẩn hóa đội tàu đánh bắt vùng lộng, vùng khơi. Ảnh: ST.

Đồng thời, tỉnh chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn theo hướng tăng cường liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi cây trồng các vùng khô hạn, nhiễm mặn, các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi, các vùng chuyên canh rau màu, dược liệu có giá trị cao; hình thành các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cung cấp cho đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch. Phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất các sản phẩm OCOP, đưa Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu trong vùng về số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm OCOP gắn với phong trào khởi nghiệp của thanh niên. Bảo tồn, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp giàu bản sắc vùng miền…

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nghề cá, bao gồm cảng cá và các khu neo đậu, tránh trú bão; chuẩn hóa đội tàu đánh bắt vùng lộng, vùng khơi, chuyển đổi nghề cá ven bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức nuôi biển phù hợp, khuyến khích nuôi thủy sản tại các hồ thủy lợi, thủy điện, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào miền núi. Xã hội hóa mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo chuyển biến tích cực về khai thác, bảo quản, chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Phát triển khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm trở thành kiểu mẫu của cả nước.

Cùng đó, tỉnh lấy phát triển kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên với hệ thống giao thông đường bộ; liên kết vùng và quốc tế thông suốt, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững…

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!