(TSVN) – Xác định nuôi biển là ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sản phẩm có chất lượng.
Quảng Nam có 125 km bờ biển với ngư trường 40.000 km², có cụm đảo Cù Lao Chàm (thành phố Hội An) với tám hòn đảo lớn nhỏ diện tích 15 km² và xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) với mũi Bàn Than gồm nhiều đảo nhỏ, chất lượng môi trường nước trong sạch. Ðây là lợi thế để địa phương phát triển nghề nuôi biển chất lượng cao.
Theo kế hoạch phát triển nghề nuôi biển, Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có diện tích nuôi biển đạt 520 ha, thể tích lồng nuôi 300.000 m³, sản lượng nuôi biển 5.400 tấn. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 540 ha, thể tích lồng nuôi 400.000 m³, sản lượng nuôi biển đạt 7.050 tấn. Tầm nhìn đến năm 2045, nuôi biển phát triển ổn định, đóng góp lớn về giá trị kinh tế biển.
Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu diện tích nuôi biển đạt 540 ha, sản lượng đạt 7.050 tấn. Ảnh: Việt Nguyễn
Tuy nhiên, hiện nay, nuôi biển của tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam, thời gian qua, phần lớn người dân nuôi biển theo kiểu truyền thống, tự phát; lồng bè nuôi thiếu kiên cố, không bảo đảm an toàn trong điều kiện sóng to, gió lớn và thường bị dịch bệnh gây thiệt hại. Nhiều mô hình nuôi hàu, cá bớp, cá hồng, cá chim, cá măng… ở khu vực ven biển Cửa Ðại (thành phố Hội An) và Cửa Lở (huyện Núi Thành) thu được hiệu quả kinh tế cao, nhưng thiếu bền vững. Con giống hải sản chưa đáp ứng các điều kiện về kiểm dịch đảm bảo chất lượng. Người dân nuôi biển chưa qua đào tạo, hễ khi nuôi biển phát sinh dịch bệnh là không xử lý tình huống bài bản. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Quảng Nam chưa đầu tư hệ thống phao tiêu, biển báo phục vụ riêng cho ngành nuôi biển. Trong khi đó, diện tích nuôi biển chồng chéo với các ngành nghề khác như giao thông, du lịch, khai thác hải sản…
Quảng Nam xác định nuôi biển là ngành kinh tế quan trọng. Do vậy, để phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành Ðề án để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại Quảng Nam đến năm 2030. Theo đó, xác định khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, điều kiện môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và mọi nguồn lực đầu tư phát triển nuôi biển.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, hiện, đơn vị đang tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh về quy hoạch không gian nuôi biển, qua đó cho thuê, giao mặt nước biển cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với ngành tài nguyên – môi trường để đơn giản hóa thủ tục cấp phép nuôi trồng hải sản trên biển và cung cấp cho UBND các địa phương dữ liệu bản đồ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị nuôi biển theo quy định.
Cùng đó, Quảng Nam sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản nuôi biển đồng bộ; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển; thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến; hỗ trợ cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi biển. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển như: nuôi biển, thu mua, chế biến, du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thanh Hiếu