T2, 06/07/2020 12:15

Quảng Nam: Ngư dân gặp khó vì giá mực giảm sút

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều ngư dân lao đao vì giá mực xà quá thấp trong thời gian gần đây, trong khi đầu ra của loại sản phẩm này chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Khó thu lợi

Thời điểm này, hàng chục tàu câu mực khơi của ngư dân Quảng Nam đang neo đậu tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành). Nhiều chủ tàu e dè, chưa dám mua nhiên liệu và các nhu yếu phẩm để ra khơi vì sợ thiếu bạn biển. Một số chủ tàu cho biết, giá mực xà giảm quá thấp đã khiến cho người đi bạn thu lợi không đáng kể nên họ lần lữa, chưa muốn trở lại câu mực. “Lúc cao điểm, chúng tôi bán được đến hơn 120 nghìn đồng/kg mực khô. Vậy mà chừ tư thương chỉ mua với giá 50 nghìn đồng/kg. Giá trị thu được của chuyến biển quá thấp khiến cho mọi người thiếu động lực vươn khơi xa” – ngư dân Đỗ Văn Kính (thôn Đông An, xã Tam Giang), chủ tàu câu mực QNa-90099 nói. Còn theo các bạn biển làm nghề câu mực khơi, tính trung bình mỗi đêm, câu được chừng 7 – 8kg mực tươi, phơi khô xong chỉ còn lại chưa đầy 2kg. Vậy nên với giá giảm sút như hiện nay thì bạn biển khó thu nhập cao. “Khó mà thu lợi với nghề làm bạn biển câu mực xà ở Trường Sa, Hoàng Sa. Nghề này nguy hiểm lắm, sản xuất rất vất vả, thức thâu đêm câu mực còn ban ngày thì phải phơi cho khô ngay chứ không thì mực hỏng. Cứ theo đà giá giảm thì chúng tôi càng khó khăn với nghề” – anh Ngô Văn Tố, bạn biển có thâm niên hơn 10 năm câu mực xà ở thôn Hòa An (xã Tam Giang) than thở.

Hàng mực xà phơi khô đang bị giảm giá, còn rất thấp.Ảnh: QUANG VIỆT

Hàng mực xà phơi khô đang bị giảm giá, còn rất thấp – Ảnh: Quang Việt

Trao đổi với chúng tôi, các tư thương thu mua mực xà có mặt ở cảng cá An Hòa vào những ngày này đều cho rằng, giá mực xuống quá thấp nhưng cũng không dễ buôn bán. Với mức mua 50 nghìn đồng/kg, họ chỉ bán được cho thương lái Trung Quốc với giá 52 nghìn đồng. Sau khi trừ chi phí, chỉ lãi được 500 đồng/kg mực khô. Trong khi đó, nếu còn hàng trữ lại do đã mua trước đây thì lỗ. “Hàng này do phía Trung Quốc độc quyền mua lại của chúng tôi nên họ quyết định giá cả. Chúng tôi mua lại của ngư dân, nếu không biết bán cho phía Trung Quốc thì cũng không biết phải bán ở đâu” – ông Nguyễn Thanh Phụ, tư thương thu mua mực xà ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết. Còn bà Phan Thị Tuyết (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành), một tư thương thu mua mực xà khác cho biết, giá mực được quy định bởi nhiều yếu tố về chất lượng như khô giòn, không bị mốc, có vị mặn vừa phải. Hiện tại, mực xà dao động ở giá 50 – 60 nghìn đồng/kg. “Tôi ký kết hợp đồng và chuyển hàng sang Trung Quốc chứ không biết bên đó có nhu cầu hàng này thế nào. Bên Trung Quốc bảo hàng chưa bán chạy được nhiều thì mua với giá thấp. Ngược lại, khi họ bảo thiếu hàng thì thỏa thuận với giá cao hơn” – bà Tuyết nói.

Tìm kiếm thị trường

Ông Ngô Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, toàn xã có tổng cộng 37 tàu công suất lớn, hành nghề câu mực khơi ở các vùng biển xa. Với giá mực xà hiện tại thì chỉ có chủ tàu dư dôi chút đỉnh chứ người đi bạn không ổn định thu nhập. Do làm ăn không có lợi nên đã có tình trạng bạn biển không muốn ra khơi. Ông Thống lo ngại, mỗi tàu câu mực khơi cần đến khoảng 40 lao động mới có thể sản xuất sẽ khiến cho nhiều tàu nằm bờ. “Trong điều kiện vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa rất nhạy cảm thì tàu cá nằm bờ là cực kỳ không nên. Chúng tôi đề xuất, ngành thủy sản, ngành công thương của tỉnh tìm cách sao đó để ổn định hơn đầu ra cho sản phẩm mực xà của ngư dân. Tại sao, Quảng Nam hay các tỉnh, thành khác không thể chế biến mực xà rồi mới xuất bán sang Trung Quốc? Có vậy thì phía Trung Quốc sẽ không thể thao túng thị trường mực xà đến vậy” – ông Thống nói. Về điều này, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành thủy sản tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế phù hợp, thu hút doanh nghiệp đầu tư, thu mua và chế biến mực xà xuất khẩu. Hay có cách gì đó để mở rộng thêm thị trường, tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu sang các nước khác ngoài Trung Quốc chẳng hạn nhưng chưa có kết quả.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 7 – 8 tư thương thu mua mực xà của ngư dân, người Quảng Nam và người Quảng Ngãi đều có, hầu hết đều xuất bán sang Trung Quốc. Bà Tuyết cho biết riêng bà mới tìm được thêm thị trường, bán cho phía Lào và Thái Lan. Do làm ăn bước đầu nên chỉ chở hàng đến TP.Hồ Chí Minh rồi phía đối tác tự đến nhận. “Họ mua với giá cao hơn so với Trung Quốc nhưng lượng hàng ít, để từ từ xem thử thị trường này có “ngon” hơn không. Nếu được thì sẽ thu mua của ngư dân với giá cao hơn. Mực xà có thể không ngon bằng mực lá, mực ống nhưng phía Trung Quốc bảo nhu cầu ăn uống bên họ rất chuộng món này” – bà Tuyết nói.

Vấn đề đặt ra là Quảng Nam nên có ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến mực xà xuất khẩu cũng như tạo điều kiện để tư thương tìm cách bán hàng sang các thị trường khác, không lệ thuộc vào phía Trung Quốc.

Nguyễn Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!