Quảng Nam: Người nuôi tôm “bơi” giữa dự án “treo”

Chưa có đánh giá về bài viết

Một loạt các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Cẩm Hà, P. Cẩm Châu, TP. Hội An và P. Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) gắn bó “mật thiết “ với nghề nuôi tôm đã hàng chục năm nay, coi đây là kế sinh nhai. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết ngày càng bất thường, cùng với đó là các dự án “treo” khiến người nuôi tôm phải “ tự bơi”, thậm chí có nhiều người đã trắng tay…

Khóc vì con giống

Tại địa bàn P. Điện Dương, thị xã Điện Bàn, những ngày gần đây, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng phải gắng gượng tiếp tục “đánh bạc” bằng cách nạo vét hồ, thả tôm trái mùa ở vụ 3.

 

Một trại tôm tại P. Cẩm Châu

“Vừa qua, trước điều kiện thời tiết nắng nóng, cùng với đó là mẻ tôm giống không tốt, nhiều hộ nuôi tôm đã thua lỗ rất nặng nề. Để gỡ gạc chút ít, chúng tôi phải nạo vét hồ, thả tôm vụ mới, chẳng mấy hy vọng gì ở vụ này, vì đây là vụ nuôi trái mùa”, một số người nuôi tôm tại địa bàn chia sẻ.

Tôm giống được người nuôi mua về thả tùy vào kinh nghiệm của nhiều người trong nghề. Họ cho rằng, người cung cấp giống ai cũng muốn tôm tốt, không bệnh tật vì đây là mối làm ăn quen thuộc. Mỗi khi đi bắt con giống, nhiều chủ trại tôm thường quan sát bằng mắt thường, dựa trên kinh nghiệm để chọn giống, ít quan tâm về khoa học kỹ thuật.

Ông Lương Sơn – Chủ tịch UBND P. Cẩm Châu,TP. Hội An, cho biết:” Tại địa bàn có khoảng 40 ha diện tích nuôi tôm. Vấn đề mấu chốt quan trọng ở nghề này là con giống, về việc này thì người nuôi tôm tự tìm mối quen để mua”.

Cũng theo ông này, về con giống thì chính quyền khó có thể can thiệp vì ở đây tự người dân liên hệ đầu mối quen thuộc. Chính quyền hỏi giống này đã kiểm định chưa thì người dân nói rằng đã được kiểm định, nên vấn đề chủ động về con giống là tùy từng người dân. Người lấy giống nơi này, người lấy nơi kia nên về địa điểm cũng chẳng cụ thể.

 

Trị “ thời tiết bất thường” nhưng lại vướng dự án

Vừa qua một loạt các hộ nuôi tôm trên địa bàn đã thua lỗ nặng nề trước cơn mưa bất thường cuối tháng 3, rồi đến vụ sau lại “ dính“ phải thời tiết khô hạn kéo dài.

Ông Lương Sơn – Chủ tịch P. Cẩm Châu, TP. Hội An trăn trở: ”Tội người nuôi tôm lắm, họ nuôi vậy chứ may rủi thì không lường trước. Hôm nay có thể lời vài chục triệu, nhưng vụ sau mà thua lỗ, có khi trắng tay. Nghề này, khó mà ổn định được”.

Tại địa bàn P. Cẩm Châu, người nuôi tôm đang vừa làm lại vừa lo, họ chẳng dám đầu tư nạo vét ao hồ. Vì thực tế, người dân nơi đây không dám đầu tư hàng chục triệu đồng cải tạo ao hồ vì diện tích đất này nằm trong vùng dự án, có thể bị thu hồi giao cho nhà đầu tư bất cứ khi nào.

 

Thời tiết nắng nóng vừa qua khiến tôm chết nên nhiều hộ tại P. Điện Dương phải thu hoạch sớm rồi cải tạo lại ao hồ thả tôm vụ mới  

“Hơn 7 năm về trước, diện tích này được công ty Địa ốc Đất Việt đầu tư với dự án khu hồ Sịn. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có năng lực triển khai nên cách đây 2 năm, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã ra quyết đinh thu hồi. Kể từ đó đến nay, người dân có muốn nạo vét ao hồ cũng không dám vì sợ vướng phải dự án trong một ngày nào đó không xa”- Ông Sơn nói. 

Tương tự, tại xã Cẩm Hà, TP. Hội An và P. Điện Dương, thị xã địa bàn, nhiều hộ nuôi tôm nơi đây, có nhiều người muốn nạo vét ao hồ để tạo môi trường thông thoáng cho tôm dễ phát triển và mặc khác là giúp tôm cải thiện khả năng chống chịu với thời tiết mưa nắng bất thường. 

Tuy nhiên, nhiều hộ thì than rằng vì không có tiền để nạo vét ao hồ, người khác thì nói dự án nạo vét sông Cổ Cò rồi các dự án khác treo bao lâu nay, chưa biết được bất chợt một ngày họ thu hồi đất để làm dự án thì nạo vét ao hồ tiêu tốn hàng chục triệu đồng cũng như không.

Đơn cử, như dự án Khu tái định cư Làng chài tại P. Điện Dương có diện tích quy hoạch là 25 ha, 251 hộ bị ảnh hưởng trong đó có 54 hộ trại tôm đến nay vẫn dở dang. Hay dự án Tổ hợp khách sạn, nhà ở sinh thái CYAN của công ty Lũng Lô 5, cũng tại phường này có tổng diện tích 24,4 ha với 536 hộ dân bị ảnh hưởng trong đó có 127 hộ trại tôm và cây cối.

Phước Bình

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!