Nguy cơ dịch bệnh bùng phát đã hiển hiện ngay trước thềm vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không dám thả nuôi đúng lịch (ngày 1/3) mặc dù đã cải tạo xong ao nuôi.
Tùy tiện xả thải
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, những ngày qua, tôm thẻ chân trắng nuôi trước lịch trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt do dịch bệnh. Theo đúng quy trình nuôi, nông dân phải xử lý nước trong ao bằng chlorin để khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên vào thời điểm này, nhiều người nuôi đã tùy tiện xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài. Tại thôn Kỳ Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình), ông Trần Hữu Thống nuôi tôm thẻ chân trắng trên 10.000m2. Do nuôi tôm trước lịch, thời tiết diễn biến thất thường khiến tôm giống vừa thả nuôi không đủ sức đề kháng nên chết đột ngột. Sau khi tôm của ông Thống chết hàng loạt, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam đã lấy mẫu kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy tôm nuôi bị chết bởi bệnh đốm trắng. Điều đáng nói là thay vì báo lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời thì gia đình này đã xả thải ra bên ngoài khi chưa triệt tiêu mầm bệnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Tư – Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Ngay sau khi Sở NN&PTNT ban hành hướng dẫn nuôi tôm nước lợ vụ 1- 2013, địa phương đã thông báo trên địa bàn xã. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nuôi tôm trước vụ vẫn xảy ra. Mặc dù địa phương thường xuyên kiểm tra các ao nuôi trước vụ, nhưng nhiều người vẫn xả thải ra bên ngoài sau khi tôm trong ao nuôi chết hàng loạt”.
Tôm nuôi trước lịch bị chết hàng loạt gây nguy cơ dịch bệnh cho vụ nuôi đầu tiên của năm.
Hiện tượng tôm nuôi chết rất nhanh do nhiễm vi rút đốm trắng cũng đã xảy ra tại thôn Hòa An (xã Tam Hòa, Núi Thành). Các hộ nuôi có tôm chết do nhiễm vi rút đốm trắng đã xả nước và tôm chết chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài. Đáng nói hơn, hiện nay, ở các ao nuôi tôm có dấu hiệu bị bệnh, phần lớn các hộ giấu bệnh, thu hoạch tôm và xả nước ra môi trường mà không xử lý. Do vậy, mầm bệnh, đặc biệt là bệnh do vi rút đốm trắng đã phát tán ra môi trường sông nước lợ tại các vùng triều thuộc dòng chảy sông Trường Giang. “Nuôi tôm nước lợ đòi hỏi phải tuân thủ quy trình nuôi rất khắt khe. Vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc này chưa được chú trọng đúng mức tại Quảng Nam trong thời gian qua. Việc xả thải nguồn nước nuôi tôm bị nhiễm bệnh ra môi trường bên ngoài mà chưa được xử lý là điều rất đáng báo động. Điều này khiến nguy cơ lây lan thành dịch bệnh trên tôm nuôi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào” – bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.
Trễ vụ
Trong khi nhiều hộ dân tranh thủ tăng từ 2 vụ nuôi lên 3 vụ nuôi trong năm thì nhiều hộ khác, vì sợ dịch bệnh lây lan không dám thả nuôi đúng vụ. Ông Trần Phi Hùng, một người nuôi tôm tại thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết: “Gia đình tôi nuôi tôm từ hơn 10 năm nay. Vì biết rủi ro của nghề này nên bao giờ chúng tôi cũng nuôi đúng quy trình và tuân thủ các kỹ thuật. Cải tạo xong ao từ mấy ngày qua nhưng tôi chưa dám thả nuôi đúng lịch vì sợ trong nước có mầm bệnh. Chúng tôi đợi đến khi nào thuận lợi sẽ thả nuôi cho an toàn”. Còn ông Trần Đình Thu, chủ ao nuôi 5.000m2 tại thôn Hóc Rộ (Cẩm Thanh, TP.Hội An) thì chia sẻ: “Chúng tôi được biết bệnh đốm trắng đã xảy ra trên tôm nuôi trước lịch mùa vụ tại một số địa phương. Việc xả thải khi chưa triệt tiêu mầm bệnh trên tôm có thể gây hại cho tôm thả đúng lịch vì vi rút gây bệnh có thể phát tán theo dòng chảy tại các lưu vực sông. Chúng tôi đành thả nuôi trễ vụ”.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hiện nay tôm nuôi tại một số địa phương đang bị bệnh đốm trắng nên có khả năng lây lan nếu người nuôi không có các biện pháp quản lý và thả tôm phù hợp. Ngành chức năng khuyến cáo, đối với các ao nuôi có công trình đảm bảo như ao nuôi giữ được nước, độ sâu mực nước từ 1,2m trở lên thì vào những ngày nắng ấm cần tiến hành nạo vét, tẩy dọn sạch bùn, bón vôi và phơi đáy khoảng 5 – 7 ngày. Sau 3 – 5 ngày lấy đủ nước vào ao thì xử lý nước (tốt nhất là bằng chlorin với liều lượng từ 30-50kg/1.000m3), ngâm ao từ 5 – 10 ngày, diệt tạp để loại bỏ mầm bệnh trong ao nuôi. Sau khi xử lý nước, kiểm tra lượng chlorin, hóa chất dư thừa trước khi gây màu. Thời điểm lấy nước nên lấy lúc thủy triều lên, tránh lúc thủy triều xuống nhằm hạn chế mầm bệnh cũng như các chất ô nhiễm. Về tôm giống, các hộ nuôi cần chọn tôm giống có chất lượng tốt bằng cách kiểm tra, xét nghiệm kỹ để loại trừ các mầm bệnh do virus, ký sinh trùng trong tôm giống khi mua. “Nông dân chỉ nên thả tôm giống với mật độ từ 60 – 80 con/m2. Trong tháng nuôi đầu tiên, các hộ nuôi nên hạn chế thay nước ở mức thấp nhất và cần chú ý đề phòng bệnh trên tôm nuôi bằng cách xây rào chắn, dựng lưới ngăn để không cho cua, còng, cá tạp, chim, cò… xâm nhập vào ao nuôi. Đối với các hộ có công trình ao nuôi chưa đảm bảo, ao giữ nước kém cần tăng cường đầu tư thêm và tốt nhất là lùi thời gian thả tôm sau ngày 1.3 để tránh bệnh tôm do vi rút đốm trắng gây ra” – bà Tâm cho biết thêm.