Những năm gần đây xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) thu hút nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, góp phần nâng cao giá trị hải sản ở địa phương.
Đã bước vào mùa biển động, nguồn nguyên liệu hải sản địa phương dần hạn hẹp nhưng nhiều cơ sở chế biến thủy sản ở Bình Minh vẫn “đỏ lửa”. Tại nhiều cơ sở chế biến cá bò ướp tẩm, hàng chục công nhân vẫn miệt mài làm việc, những vỉ cá mực thơm nồng vì được nắng được bày chật trên sân phơi. Những năm gần đây, để đáp ứng nguồn nguyên liệu thủy sản cho hoạt động sản xuất vào mùa đông, các cơ sở chế biến thủy hải sản địa phương đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở ngoài tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Khánh Hòa… (chủ yếu là mặt hàng cá bò) để duy trì hoạt động sản xuất.
Các cơ sở chế biến thủy hải sản ở Bình Minh đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: M.Đức
Ông Trần Đình Thắng, chủ một cơ sở chế biến thủy sản ở thôn Tân An (xã Bình Minh) cho biết, tuy nguồn nguyên liệu vào mùa này không dồi dào nhưng cơ sở vẫn sản xuất bởi thu mua từ các phương tiện khai thác hải sản ở nhiều địa phương. Cơ sở ông Thắng chuyên hấp, phơi khô cá cơm, cá nục. Vào mùa biển lặng, mỗi ngày ông thu mua và chế biến từ 15 – 20 tấn cá, xuất bán ở thị trường nội địa và Trung Quốc. Để tăng năng suất sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông Thắng vừa đầu tư hệ thống hấp hải sản bằng lò hơi hiện đại, với chi phí hàng trăm triệu đồng. Hiện cơ sở của ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động. “Nguồn nguyên liệu hải sản địa phương được đánh giá là có chất lượng tốt do ngư dân khai thác ở tuyến lộng, giữ được độ tươi của các loại cá mực, đáp ứng khoảng 50% công suất sản xuất của cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi phải tìm mua thêm hải sản từ Đà Nẵng, Phú Yên. Vào mùa biển động thì sản xuất cầm chừng” – ông Thắng nói.
Ông Trương Công Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, địa phương có đến 80% dân số làm nghề đánh bắt nên lượng hải sản khai thác được mỗi ngày tương đối lớn. Những năm trước, do đường sá cách trở, đầu ra còn hạn chế nên giá bán các mặt hàng hải sản sau khi khai thác được rất bấp bênh. Vài năm trở lại đây, ở Bình Minh phát triển mạnh nghề chế biến thủy hải sản, giải quyết rất tốt cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bà Trần Thị Hồng (một cơ sở chế biến thủy sản ở thôn Tân An) tâm sự, trước đây mỗi ngày nhìn hàng tấn cá do ngư dân địa phương khai thác bán cho các thương lái chở đi nơi khác để chế biến, trong khi đó chị em phụ nữ lại quá nhàn rỗi nên bà nảy ra ý tưởng mở xưởng chế biến tại địa phương. Hiện xưởng chế biến thủy sản của bà Hồng thu hút gần 20 lao động với mức thu nhập từ 1,8 – 2,5 triệu đồng/tháng/người. Làm ăn hiệu quả, bà Hồng đã mở thêm 2 cơ sở sản xuất, gia công cá bò tại xã Bình Minh và 1 xưởng hấp cá tại thôn An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên).
Hiện xã Bình Minh có 12 cơ sở chế biến thủy hải sản với nhiều mặt hàng như cá bò ướp tẩm, cá cơm cá nục hấp khô…, đặc biệt là mặt hàng mắm chượp (cá được muối ban đầu với tỷ lệ phù hợp, cho vào bao là xuất bán – PV) thu hút nhiều khách hàng ở phía Nam. Các cơ sở này giải quyết tốt đầu ra và nâng cao giá trị hải sản địa phương. Ông Bảy cho biết: “Giá bán các loại hải sản những năm gần đây tăng lên và rất ổn định cũng nhờ vào các cơ sở chế biến, thu mua tại chỗ. Mùa biển lặng vừa qua mỗi ký cá cơm ở đây có giá đến 21 nghìn đồng, trong khi đó năm ngoái giá chưa đến một nửa. Do giá bán ổn định, gần đây chợ cá biển Bình Minh cũng thu hút nhiều phương tiện ở các địa phương lân cận như Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An đến tiêu thụ sản phẩm. Đây là tín hiệu đáng mừng và tiền đề quan trọng trong việc phát triển nghề khai thác hải sản ở địa phương”.