Quảng Nam: Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế trọng điểm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Kế hoạch đặt mục tiêu: Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; thân thiện môi trường; bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới; kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

 Tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống, môi trường sống gắn với tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu bảo tồn biển, phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới.

Bản đồ Quy hoạch thủy sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2023; nguồn: Sở NN&PTNT Quảng Nam

Tăng cường hoạt động bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên (nội địa, hồ chứa, sông, vùng biển); đẩy mạnh xã hội hóa sâu rộng hoạt động bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ưu tiên bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái ngập mặn; hình thành các khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản quý hiếm.

Triển khai Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, huy động các nguồn lực tài chính cho bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Khai thác thủy sản

Xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế – xã hội từng vùng. Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp cho các đội tàu khai thác.

 Phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; khuyến khích phát triển kiêm nghề để tăng hiệu quả sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo ATTP, điều kiện sống và làm việc của thuyền viên. 

Tổ chức điều chỉnh, sắp xếp lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý; gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), du lịch sinh thái, nghề cá giải trí; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản. Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác IUU. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng quản lý nghề cá đảm bảo giám sát hoạt động của người và tàu cá; cảnh báo các sự cố, rủi ro, thiên tai trên biển; tham gia hiệu quả công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh biển đảo. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản; củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Nuôi trồng thủy sản

Tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại. Phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên mặt nước lớn (hồ chứa, đập thủy điện, sông). Chuyển đổi sang nuôi thủy sản tại các vùng đất nông nghiệp bị xâm nhập mặn. 

Phát triển NTTS trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; hài hòa với hoạt động của các ngành kinh tế khác, kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chủ lực chất lượng cao. Khuyến khích phát triển giống các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng. 

Khuyến khích nuôi thủy sinh vật làm cảnh, giải trí, đồ mỹ nghệ, dược phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Phát triển nuôi các loài cá truyền thống những vùng có điều kiện phù hợp ở nông thôn, miền núi, nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, đồng bào miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Khuyến khích các mô hình NTTS áp dụng công nghệ mới, tiên tiến; khuyến khích các mô hình nuôi hữu cơ, sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, NTTS.

Triển khai nhiều giải pháp

Đầu tư hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ 

Xây dựng, hoàn thiện phương án sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tích hợp vào quy hoạch kinh tế – xã hội tỉnh; chương trình, đề án, dự án lĩnh vực thủy sản. Tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ, phù hợp quy hoạch, chương trình, đề án lĩnh vực thủy sản, đáp ứng tiêu chí, quy định của Luật Thủy sản bao gồm: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; vùng NTTS tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; hoạt động kiểm nghiệm, kiểm định NTTS; khu bảo tồn biển; cơ sở đóng, sửa tàu cá, sản xuất ngư cụ; hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; số hóa dữ liệu thủy sản; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong NTTS.

Phát triển khoa học công nghệ

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản, hình thành các khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản. 

Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế đang còn phụ thuộc vào nguồn giống khai thác từ tự nhiên (nhuyễn thể, cá biển…). Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ nuôi thủy sản có năng suất cao, chất lượng, tuần hoàn, tiết kiệm nước, năng lượng, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các hệ thống nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi hữu cơ, sinh thái. 

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi, giám sát hoạt động tàu cá; công nghệ khai thác; quản lý NTTS; cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản…

Hải Lý

Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 125.000 - 130.000 tấn (khai thác thủy sản chiếm 70%, NTTS chiếm 30%). Số lượng tàu cá 2.756 chiếc, trong đó có 686 tàu cá vùng khơi, 716 tàu cá vùng lộng, 1.338 tàu cá vùng bờ. Diện tích NTTS: 6.996 ha, trong đó nuôi nước lợ 1.996 ha, nước ngọt 5.000 ha; thể tích lồng bè: 465.000 m3. Giá trị sản xuất 5.700 tỷ đồng, chiếm từ 32 - 33% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, khai thác thủy sản đạt 3.500 tỷ đồng, NTTS đạt 2.200 tỷ đồng.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!