Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam vừa ban hành lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2013 bắt đầu từ ngày 1/3. Ngành chức năng khuyến cáo người nuôi nên tuân thủ lịch mùa vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi.
Bất chấp lịch thời vụ
Từ năm 2003 đến nay, Sở NN&PTNT đều ban hành lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ hằng năm. Cạnh đó, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện nhiều biện pháp để giúp nông dân tuân thủ lịch mùa vụ, như: thông báo hướng dẫn nuôi trồng thủy sản nước lợ, kiểm soát hoạt động kinh doanh tôm giống trên địa bàn, khuyến khích thành lập các tổ nuôi tôm cộng đồng, lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm với phổ biến tầm quan trọng của lịch mùa vụ… Việc cam kết thả nuôi đúng lịch cũng được ký kết giữa người dân với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, tình trạng thả nuôi trước lịch mùa vụ vẫn diễn ra, bất chấp sự kiểm tra, giám sát của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Năm 2012, diện tích thả nuôi trước lịch là 200ha, không hề giảm sút so với nhiều năm trước. Hậu quả là có hơn 100ha ao nuôi có hiện tượng tôm chết hàng loạt.
Cần thả nuôi tôm đúng lịch mùa vụ để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: N.Q.V
Thực tế nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua đã cho thấy, thả nuôi trước lịch vô hình trung đã trở thành điều kiện để bệnh đốm trắng trên tôm nuôi xảy ra và lây lan nhanh thành dịch. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là do nhiều trại giống tôm thẻ chân trắng vẫn sản xuất và cung cấp tôm giống cho người nuôi ở các thời điểm trước lịch mùa vụ. Nhiều địa phương buông lỏng công tác tuyên truyền, chỉ đạo sản xuất hoặc không có cán bộ chuyên trách thủy sản, địa bàn sản xuất quá rộng không thể kiểm tra hết được. Thậm chí một số địa phương còn quan niệm rằng kiểm soát việc thả nuôi trước lịch hoặc phòng chống dịch bệnh thủy sản là công việc của ngành nông nghiệp tỉnh chứ không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. “Nguyên nhân chủ yếu nhất của việc thả nuôi tôm giống trước lịch mùa vụ là do người dân quan niệm thả nuôi trước lịch thì môi trường nước sẽ tốt hơn, con giống cũng sẽ chất lượng hơn mà lại rẻ do nhu cầu mua ít. Thả nuôi sớm nên thu hoạch sớm, bán tôm sẽ có giá cao hơn…” – bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, việc thả nuôi trước lịch đã gây nhiều hệ lụy, nhất là tạo điều kiện để dịch bệnh trên tôm nuôi phát triển.
Tăng cường quản lý
Thực tế sản xuất tại các địa phương như Tam Hòa (Núi Thành), Cẩm Thanh (TP. Hội An) hay một số nơi nuôi riêng lẻ tại Duy Vinh (Duy Xuyên) đã cho thấy tuân thủ lịch mùa vụ sẽ ít rủi ro, hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ được ban hành là để khuyến khích sản xuất bền vững, đem lại lợi ích trước hết cho chính người nuôi tôm nước lợ. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là chính người dân phải thấy rõ được tầm quan trọng của nuôi tôm đúng lịch mùa vụ. “Để lịch mùa vụ mang lại hiệu quả thực sự, trong thời gian đến, trước hết là năm 2013 này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, xuyên suốt giữa ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo sản xuất, tổ chức thực hiện cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới người nuôi để họ thực hiện nghiêm túc lịch mùa vụ” – ông Tấn nói.
Ông Đặng Vĩnh Thạch, chuyên viên thủy sản Phòng Kinh tế TP. Tam Kỳ cho rằng, để lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ thực sự phát huy hiệu quả, ngoài việc tăng cường kiểm soát, không cho cơ sở sản xuất tôm giống bán tôm trước lịch thì việc thông tin về thị trường để nông dân không phải rơi vào tình cảnh được mùa mất giá là điều quan trọng. Ngoài ra, một chế tài xử phạt đối với các nông hộ thả nuôi trước lịch cũng cần thiết. Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, thực hiện lịch mùa vụ cần nhất là sự thấu hiểu tầm quan trọng của nó từ phía người dân. Bởi vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động của ngành chức năng thì sự hưởng ứng và san sẻ lẫn nhau của các tổ cộng đồng nuôi tôm nước lợ là rất cần thiết. Ông Hưng cũng đề cao vai trò của việc khống chế, không cho bán, mua tôm giống trước lịch mùa vụ để thả nuôi đúng lịch. Tuy nhiên, ông cho rằng do việc nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh tồn tại hai vùng nuôi với thời gian thả nuôi khác nhau (nuôi tôm trên cát thả nuôi quanh năm, không áp dụng lịch mùa vụ) nên rất khó khống chế việc mua bán này.
>> Kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi Sở NN&PTNT vừa có thông báo hướng dẫn nuôi tôm nước lợ 2013. Ngành chức năng khuyến cáo, những ao nuôi có cơ sở hạ tầng đảm bảo (bờ ao cao, chắc chắn, đáy ao ít tích tụ hữu cơ…), nguồn nước cấp thuận lợi, thời gian thả nuôi từ ngày 1/3 và kết thúc chậm nhất đến ngày 15/9. Đối với những ao nuôi tôm sú hoặc nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng điều kiện ao nuôi không đảm bảo, thời gian thả nuôi từ sau ngày 1/4. Trước ngày 1/3, ngoài cá, các nông hộ không được thả nuôi bất kỳ loài giáp xác nào (tôm, cua…). Con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, kiểm tra chất lượng để loại bỏ những đàn tôm yếu, mang mầm bệnh do virut, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. ở NN&PTNT vừa có thông báo hướng dẫn nuôi tôm nước lợ 2013. Ngành chức năng khuyến cáo, những ao nuôi có cơ sở hạ tầng đảm bảo (bờ ao cao, chắc chắn, đáy ao ít tích tụ hữu cơ…), nguồn nước cấp thuận lợi, thời gian thả nuôi từ ngày 1/3 và kết thúc chậm nhất đến ngày 15/9. Đối với những ao nuôi tôm sú hoặc nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng điều kiện ao nuôi không đảm bảo, thời gian thả nuôi từ sau ngày 1/4. Trước ngày 1/3, ngoài cá, các nông hộ không được thả nuôi bất kỳ loài giáp xác nào (tôm, cua…). Con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, kiểm tra chất lượng để loại bỏ những đàn tôm yếu, mang mầm bệnh do virut, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. |