Quảng Nam: Ra khơi thời xăng dầu… tăng giá

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Dầu diezel tăng thêm 3.550 đồng/lít, nhiều tàu cá phải “gánh” thêm một khoản kinh phí đáng kể trong mỗi chuyến ra khơi. Bên cạnh đó, giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng, nên hàng ngàn ngư dân Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều tàu cá nằm bờ

Từ sau tết Nguyên đán Tân Mão 2011 đến nay, tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành – Quảng Nam) chỉ có gần 100/382 chiếc tàu thuyền nghề lưới vây, lưới lỡ và câu mực khơi phải nằm bờ. Theo các ngư dân, ngoài việc thời tiết không thuận lợi, thì khi giá xăng dầu tăng, các mặt hàng khác cũng tăng theo, đã tác động trực tiếp đến việc vươn khơi đánh bắt của họ. Theo tính toán của nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ, với giá dầu tăng cao như hiện nay thì mỗi chuyến đi biển trên 10 ngày, mỗi tàu phải tốn thêm 14 – 22 triệu đồng để mua nhiên liệu. Trong khi đó, giá đá lạnh ướp cá, lương thực thực phẩm cũng tăng vọt, khiến chi phí thực tế cho một chuyến đi biển sẽ tăng lên từ 30 – 40%. Ông Nguyễn Ngọc Vân (chủ tàu Qna 91298TS ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2011, tàu của ông đạt doanh thu 480 triệu nhưng chi phí đã lên đến 300 triệu đồng. Đó là thời điểm giá dầu chưa tăng như hiện nay. “Nếu như trước đây chi phí cho mỗi chuyến câu mực khơi từ 15 đến 20 ngày tốn chừng 300 triệu đồng thì nay phải lên trên 350 triệu đồng” – ông Vân nói.


Ngư dân ở Quảng Nam chuẩn bị ra khơi.

Ngoài các tàu câu mực khơi, các tàu lưới vây gắn máy công suất lớn của ngư dân các huyện Núi Thành, Duy Xuyên và TP. Tam Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu như một đôi tàu lưới vây đêm trước đây chi phí 50 triệu đồng cho một chuyến biển từ 18 – 22 ngày thì nay chi phí phải đến 70 triệu đồng. Đó là chưa kể mỗi lao động phải bỏ ra từ 2 – 3 triệu đồng để mua thêm mì tôm, sữa và một số đồ dùng thiết yếu khác. Ông Nguyễn Bé, chủ tàu câu mực khơi QNa 9007TS, cho biết: "Khi dầu chưa tăng giá, đi mỗi chuyến biển 2,5 tháng, tàu của tôi tốn 265,8 triệu đồng phí tổn, trong đó riêng tiền dầu hết 205,8 triệu đồng. Khi giá dầu tăng lên 18.300 đồng/lít, tổng chi phí tăng lên 320 triệu đồng, trong đó riêng tiền dầu tăng thêm 50 triệu đồng. Vì tổn phí tăng thêm nên phần đóng góp của chủ tàu cũng như lao động phải tăng thêm mỗi người vài ba triệu đồng. Và lợi nhuận mỗi chuyến biển của mỗi người theo đó cũng giảm đi vài ba triệu đồng".

 

Chật vật ra khơi

Giá dầu tăng cộng với “bão giá” lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác từ sau tết, nhưng nhiều tàu cá ở Quảng Nam vẫn chật vật vươn khơi. Bởi nghề biển là nghề chính gắn bó cả đời của hàng ngàn ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam. Năm qua, Đề án “Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Nam 2010-2015” đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều tàu được hỗ trợ vốn vay để đóng mới, cải hoán và nâng công suất để vươn khơi. Không ít chủ đầu đầu tư 1-1,5 tỷ đồng để mua sắm tàu đánh bắt xa bờ, nên khi giá dầu có tăng thì họ vẫn quyết tâm bám biển. Theo ông Nguyễn Bé, dù giá dầu tăng và chi phí cho một chuyến đi biển tăng so với trước, nhưng các loại hải sản cũng tăng cao. Nếu đầu tư để bám biển dài ngày, tăng sản lượng đánh bắt thì thu nhập của ngư dân cũng đảm bảo.

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, cho biết, cả huyện có 1.200 tàu, thuyền. Trong đó, đội tàu câu mực khơi 100 chiếc, chiếm trên 90% số tàu câu mực của cả tỉnh Quảng Nam, với tổng công suất trên 15.000CV, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. "Nghề khai thác xa bờ của huyện có doanh thu cao, nhiều ngư dân ở Núi Thành đã đầu tư thêm phương tiện hỗ trợ đánh bắt như máy tầm ngư, máy định vị và đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Vừa qua, dầu tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân nhưng không vì thế mà họ cho tàu, thuyền của mình nằm bờ. Nhiều tàu ra khơi đánh bắt hải sản đã trúng cá lớn, lãi cao".

                                                                           THẠCH HÀ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!