Quảng Nam: Siết chặt quản lý nuôi tôm thẻ trên cát: Cần biện pháp lâu dài

Chưa có đánh giá về bài viết

Lực lượng chức năng và các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về siết chặt quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Tình hình đã tạm yên nhưng hiện nay nhiều người nuôi có tâm lý trông chờ “qua đợt kiểm tra” sẽ tổ chức thả tôm để thu hồi vốn…

Bất hợp tác

Đi dọc đường Thanh niên ven biển qua địa phận xã Tam Tiến (Núi Thành) vào những ngày gần đây, chúng tôi nhận thấy tình trạng chuyển đổi đất vườn sang nuôi tôm vẫn diễn ra. Vào buổi trưa hoặc lúc tối trời, khi lực lượng chức năng không có mặt, nhiều hộ dân thuộc các thôn Bình Phú, Hà Quang (Tam Tiến) vẫn tiếp tục đào ao, trải bạt, chờ nuôi tôm. Một hộ dân ở thôn Bình Phú cho biết, trước khi có lệnh cấm của UBND tỉnh, ao nuôi của gia đình ông sắp sửa hoàn thành và đã đầu tư hết hơn 100 triệu đồng. Bây giờ bỏ không thì không có tiền để trả nợ nên tranh thủ đắp lại ao nuôi, chờ “yên ắng” rồi thả tôm. Hiện thôn Bình Phú có rất nhiều ao nuôi mới được thả tôm 1 – 2 tháng và các ao nuôi đã hoàn thành nhưng không được thả nuôi (theo chỉ thị của UBND tỉnh). Các ao nuôi này nằm sát nhau nên rất khó phân biệt ao nuôi nào được nuôi cho đến hết vụ, ao nuôi nào không được thả nuôi. Do rất khó quản lý hiện trạng vùng nuôi nên người dân sẽ lợi dụng điều này để thả nuôi trong thời gian đến.

Người dân nhiều nơi tiếp tục đào ao nuôi tôm. Ảnh: QUANG VIỆT 

Người dân thôn Hà Quang tiếp tục đào ao nuôi tôm. Ảnh: Quang Việt

Từ đầu tháng 12, huyện Núi Thành đã thành lập 2 tổ kiểm tra, xử lý tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép trên địa bàn 3 xã Tam Tiến, Tam Hòa và Tam Hải. Tại xã Tam Tiến, hơn 1 tuần nay ngày nào cũng có từ 18 – 25 cán bộ đoàn thể, mặt trận, phụ nữ, lực lượng công an viên, dân phòng, lãnh đạo xã “nằm vùng” ở các thôn Bình Phú, Hà Quang, Lộc Đông, Phước Lộc, Long Thạnh để tuyên truyền vận động và xử lý những trường hợp nuôi trái phép, không thực hiện đúng cam kết. Tâm lý, tư tưởng của người nuôi hiện nay rất khác nhau. Nhiều trường hợp đồng ý chấp hành chủ trương của tỉnh, song cũng không ít người nuôi tỏ ra né tránh không chịu làm việc, ký biên bản. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến – ông Nguyễn Xuân Luận cho biết, khoảng gần 70 hộ nuôi phía đông đường Thanh niên ven biển vì muốn nuôi tôm lâu dài nên họ luôn gây khó cho tổ kiểm tra. Đối với các trường hợp cố tình bỏ đi, không ký vào biên bản làm việc, địa phương vẫn lập hồ sơ, thủ tục đầy đủ và có sự xác nhận của các đoàn thể, mặt trận cơ sở… “Khi chính quyền làm mạnh tay cắt điện 4 hộ nuôi trong ngày ra quân đầu tiên, đã gặp phải sự phản ứng của người dân. Nếu xử lý theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh thì quả thật rất khó cho địa phương. Cho nên, nhiều vụ vượt thẩm quyền, chúng tôi phải đề nghị huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” – ông Luận nói.

Thống kê sơ bộ, đến nay có 80 hộ nuôi tôm trái phép trên địa bàn xã Tam Tiến bị xử phạt hành chính, chủ yếu ở hành vi sử dụng sai mục đích quyền sử dụng đất. Tại xã Tam Hải, tổ kiểm ra của huyện cùng với địa phương đã tiến hành lập biên bản 51 trường hợp nuôi trái phép với diện tích hơn 13ha. Trong đó, ra quyết định xử phạt 4 trường hợp với số tiền 33 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Đức Tục – Bí thư Đảng ủy xã Tam Hải, cái khó khi kiểm tra, xử lý đối tượng nuôi là tại hiện trường hầu như rơi vào cảnh vườn không nhà trống, người nuôi bất hợp tác.

Người dân nhiều nơi tiếp tục đào ao nuôi tôm. Ảnh: QUANG VIỆT 

Người dân nhiều nơi tiếp tục đào ao nuôi tôm. Ảnh: Quang Việt

Khó quản lý

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam là tuyệt đối dừng, cưỡng chế không cho phát sinh ao nuôi mới, phân loại từng ao nuôi, song thực tế khi vào cuộc, chính quyền cơ sở gặp khó khăn. Lãnh đạo các xã phân trần, phần lớn người dân mới thả nuôi một vài vụ đầu đều muốn cam kết nuôi kéo dài thêm một hoặc hai năm, chứ thời gian thu hoạch 1 vụ xong rồi dừng thì họ khó thu hồi vốn bỏ ra. Vả lại, vì lợi nhuận “khủng” của con tôm đem lại nên người dân bất chấp vi phạm, trong khi lực lượng cán bộ cơ sở thì không thể có mặt tại hiện trường theo dõi thường xuyên. Tại khu vực bãi Nờm (xã Tam Hải), khi tổ kiểm tra đến thu máy nổ, các dụng cụ phục vụ nuôi tôm, cắt điện thì nhiều người kéo đến cản trở. Nhiều trường hợp người nuôi chấp nhận xử phạt hành chính để được… tái nuôi. Theo quy định, nếu đối tượng xử phạt hành chính xong chưa chịu trả lại hiện trạng ban đầu thì lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, đến nay Núi Thành chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế, dù chưa có hộ nào chịu trả lại hiện trạng như ban đầu. Xử lý chưa dứt điểm, triệt để, chính quyền cơ sở thiếu biện pháp hiệu quả… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nuôi tôm trái phép ồ ạt suốt thời gian qua.

Ông Phan Như Diễn – Đội trưởng Đội quy tắc và quản lý công trình công cộng huyện Núi Thành, Tổ trưởng tổ công tác kiểm tra nuôi tôm trái phép tại xã Tam Hải thừa nhận, nếu làm “căng” như lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh thì địa phương phải có thêm lực lượng đủ mạnh hỗ trợ, chứ tình hình như hiện nay thì không ai dám làm. Nhiều người dân xã Tam Hải có biểu hiện chống lại tổ công tác trong việc lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt đối với những trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép. “Qua nhiều ngày kiểm tra, xử lý, hiện chúng tôi buộc phải dừng lại để chờ xin ý kiến chỉ đạo, chứ ở cơ sở phức tạp lắm” – ông Diễn nói.

Hiện các hộ dân vẫn xả nước thải trong quá trình nuôi tôm trực tiếp ra biển và sông Trường Giang nhưng các địa phương ven biển vẫn chưa có một động thái nào chấn chỉnh việc này. Ông Nguyễn Xuân Luận cho biết, địa phương chưa thể vận động, phối hợp, tuyên truyền người dân đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường khi nuôi tôm. Ông Luận giải thích, sở dĩ chính quyền cơ sở chưa thể làm việc này vì chưa có hướng dẫn cụ thể của ngành chuyên môn. Xã đang đề nghị lực lượng cảnh sát môi trường, ngành tài nguyên – môi trường tỉnh can thiệp, giúp đỡ. “Chúng tôi cần một phương án “mẫu” đảm bảo môi trường từ ngành chức năng nhưng vẫn chưa được hỗ trợ” – ông Luận nói.

>> Cùng với việc không cho phát sinh ao nuôi mới, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương ven biển rà soát lại hiện trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hiện nay để đề xuất quy hoạch tạm thời, nuôi tập trung ở những khu vực có điều kiện tốt gắn chặt với đảm bảo môi trường sinh thái. Trong khi việc rà soát quy hoạch vẫn chưa được tiến hành thì việc quản lý, không để phát sinh ao nuôi mới trong những ngày qua gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đức Tục cho biết: “Sắp đến chúng tôi sẽ phối hợp với huyện đề nghị tỉnh cho phép khảo sát quy hoạch vùng nuôi cho phù hợp để đảm bảo môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên sẽ rất khó vì người dân không mặn mà, tâm lý của họ là nuôi được vụ nào hay vụ nấy”. Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT thì cho rằng, không nên quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vì sẽ chồng lấn, ảnh hưởng xấu đến nhiều vấn đề kinh tế – xã hội khác.

Hữu Phúc - Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!