T2, 06/07/2020 10:11

Quảng Nam: Thanh niên bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày càng có nhiều thanh niên ở Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) đi làm ăn xa, gặp thời buổi kinh tế khó khăn, đã quay trở về chọn nghề biển truyền thống của cha ông để mưu sinh.

Ước mơ với nghề

Ngư dân trẻ Võ Văn Nhất (SN 1986, An Hải Tây, Tam Quang) vừa sửa soạn hành lý cho một chuyến đi đảo vừa nói: “Ngày trước mình bôn ba nhiều lắm, nào là ở Buôn Ma Thuột, TP.Hồ Chí Minh rồi xuống miền Tây Nam Bộ… Làm đủ thứ nghề nhưng cũng chẳng dư được bao nhiêu. Phần thì xa nhà, quá nhiều khoản chi phí cho sinh hoạt nên khó tích cóp”. Năm 2011, anh Nhất trở về nhà mà trong tay không một đồng vốn nào dù đã gần 4 năm bươn chải nơi đất khách. Nghề biển dù sao cũng truyền đời, gặp mưa thuận gió hòa có khi sẽ “phất”, Nhất quyết tâm học nghề biển. “Nghề nào cũng phải học thì mới tích góp được kinh nghiệm thực hành. Không phải cứ lên tàu ra biển là có nghề đâu. Phải quan sát và theo thầy hướng dẫn về nghề, cách thức đối phó với thời tiết…”. Như ban đầu mới đi theo học nghề, tôi bị say sóng dữ lắm, đó cũng là một trở ngại lớn. May lúc đó có người thân bên cạnh giúp đỡ, khắc chế lại những phản ứng của cơ thể. Rồi qua giai đoạn đó mới học được nghề” – anh Nhất chia sẻ. Việc đi biển đòi hỏi sức khỏe và sự kiên trì vì khi bước vào nghề mới thấy muôn vàn khó khăn. Anh kể, những lúc say sóng phải nằm một chỗ không thể làm nổi hay phải thức trắng đêm kéo lưới… Nhờ những ngư dân lớn tuổi chỉ bảo, truyền nghề nên anh thạo việc nhanh. Với sức trẻ và tâm huyết với nghề, các chủ tàu ở xã Tam Quang luôn muốn anh “đi bạn” với họ.  Mấy ngày này, anh Nhất đang cùng chủ tàu QNa 90767TS và các ngư dân khác tất bật chuẩn bị hành lý, lương thực… để vươn khơi. “Giờ mình không muốn ly hương nữa vì đã say mê nghề biển rồi. Thu nhập nghề này cũng khá. Mỗi chuyến đi, thuận lợi có thể bỏ túi khoảng 10 triệu đồng, có ít thì cũng được vài triệu đồng” – anh Nhất nói.

alt 

Ngư dân trẻ Võ Văn Nhất (phải) cùng bạn đi biển chuẩn bị cho chuyến vươn khơi. Ảnh: Đoàn Đạo

Tương tự, ở tuổi 20 Lê Thanh Duy đã trở thành một ngư dân có nghề được nhiều chủ tàu tin tưởng giao việc. Anh cho biết, sau khi tốt nghệp THPT, anh ra TP.Đà Nẵng xin làm công nhân. Tuy nhiên vì tiền lương không đủ chi tiêu và công việc bấp bênh, anh trở về nhà và theo nghề biển. “Mình về quê có nhiều thuận lợi hơn, khi ở với cha mẹ thì chỉ việc chú tâm làm ăn. Còn trẻ nên gian khó của nghề biển mình vượt qua được. Mong ước cho tương lai sẽ gom góp được ít vốn và vay thêm tiền mua tàu cá. Đó là con đường làm giàu từ nghề của cha ông mà mình mơ ước”. Duy nở nụ cười hiền lành vốn có của người dân vùng biển khi nói về dự tính cho tương lai. Không riêng gì Võ Văn Nhất, Lê Thanh Duy, nhiều thanh niên khác của các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải… lâu nay vốn ly hương, giờ đã trở về quê giữ nghề biển truyền thống. Không còn những bấp bênh khi mưu sinh nơi đất khách quê người, về quê, họ đã tìm thấy tình yêu với nghề của cha ông. Và, những ngư dân tuổi đôi mươi đang có cơ hội làm giàu từ những chuyến vươn khơi.

alt 

Tàu đánh cá từ khơi xa trở về.

Kỳ vọng đổi thay

Nhìn vào lớp trẻ say mê với nghề truyền thống, những lão làng của nghề biển vùng Núi Thành cũng không ít lo âu. Ông Võ Thảo – một chủ tàu ở thôn 2 (Tam Quang) tâm tư: “Phải nói cho thật công bằng, nghề là nghề truyền thống không ai muốn mất, nhưng để con cháu tiếp tục bám nghề này thì lo. Lớp trẻ bây giờ có học đến nơi đến chốn là tìm một công việc khác, hoặc ly hương. Còn cực chẳng đã chúng nó mới theo nghề biển chỉ truyền nối nhau chứ không có những hỗ trợ nào”. Cũng theo ông Thảo, những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho ngư dân bám biển thông qua nhiều kênh khác nhau như Đoàn thanh niên với việc hỗ trợ ngư dân trẻ, ngành y tế tặng tủ thuốc cho ngư dân hay Nhà nước hỗ trợ tiền đóng tàu thuyền, xăng dầu nhưng lại bỏ ngỏ việc đào tạo nghề biển. Nghề biển không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm của cha ông truyền lại, mà cần được đào tạo bài bản qua trường lớp. Và nên chăng, việc khảo sát riêng đối với thanh niên làng biển về ước vọng đổi thay từ làng nghề truyền thống là một trong những việc cần thiết trong quá trình chọn hướng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn?

Đoàn Đạo - Anh Trâm

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!