Mô hình nuôi hàu và tu hài do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành triển khai trên địa bàn huyện đã hé mở cơ hội nhân rộng và phát triển kinh tế ổn định cho người dân.
Thành công bước đầu
Tu hài và hàu là các đối tượng hai mảnh vỏ, nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Đầu năm 2012, sau khi khảo sát, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành triển khai nuôi tu hài, hàu tại khu vực Cửa Lở (Tam Hải) và cửa An Hòa (Tam Giang). Ông Nguyễn Đức Xuyên, người triển khai mô hình nuôi tu hài thương phẩm trong khay thả đáy ở thôn Xuân Mỹ (xã Tam Hải) cho biết, sau hơn 6 tháng thả nuôi, tu hài thương phẩm có tỷ lệ sống cao (hơn 80%) và phát triển tương đối nhanh (đạt kích cỡ 50g/con). Từ 6.000 con giống, đến nay ông Xuyên thu được 240kg sản phẩm, lãi ròng hơn 30 triệu đồng.
Ông Bùi Ngọc Hoành thu được hiệu quả kinh tế cao nhờ triển khai nuôi hàu thương phẩm – Ảnh: Quang Việt
Khu vực bãi triều ở 2 xã Tam Giang, Tam Hải có mật độ sinh vật phù du nhiều, nguồn nước trong sạch, lưu thông tốt… nên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã triển khai nuôi hàu treo dây trên bè nổi (ở khu vực có mực nước sâu) và trên các giàn cố định. Sau hơn 6 tháng thả nuôi, tại mô hình của ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ) hàu có tỷ lệ sống cao và đạt kích cỡ 15 – 20 con/kg. Với 500 dây thả nuôi (2,5kg hàu/dây), đến nay ông thu 1.250kg hàu thương phẩm. Với giá 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí (gần 20 triệu đồng), ông Hoành lãi hơn 30 triệu đồng. “Từ nhiều năm nay, gia đình tôi đã quen với các mô hình nuôi trồng thủy sản tại vùng Cửa Lở nên khi được cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và đảm bảo môi trường nước cho hàu phát triển tốt, tôi luôn tuân thủ quy trình nuôi, không để xảy ra sơ suất nào. Đây là đối tượng nuôi mới nhưng có giá trị kinh tế cao, thị trường lại ổn định nên chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn trong thời gian đến” – ông Hoành cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, mặc dù tu hài và hàu là các đối tượng được triển khai nuôi lần đầu tại Quảng Nam, nhưng nhờ được chuyển giao công nghệ nuôi, có cải tiến trong quá trình sản xuất… nên mô hình đã được các hộ dân địa phương thực hiện có kết quả. Với các ưu thế như tiềm năng mặt nước ven biển, có thể nhân rộng, là các mặt hàng có giá trị xuất khẩu nên mô hình mở ra triển vọng về hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Nhân rộng
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình cho hơn 40 hộ dân ở các xã ven biển Núi Thành. Theo ThS. Trần Trung Thành (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), hiện nguồn tu hài cung cấp trên thị trường chủ yếu được khai thác từ tự nhiên. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, việc đẩy mạnh nuôi tu hài thương phẩm là điều cần thiết. “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã hướng dẫn các hộ dân ở các tỉnh, thành ven biển nuôi tu hài thương phẩm. Thực tế sản xuất tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ninh… đã cho thấy kết quả tốt. Hiện tại, khi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương… đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh hoành hành thì nuôi tu hài thương phẩm với các điều kiện sản xuất phù hợp là hướng đi đầy triển vọng” – ông Thành nói.
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, dự án nuôi hàu thương phẩm đã được triển khai đúng tiến độ và nội dung công việc đề ra. Dự án đã xây dựng được một số mô hình trình diễn đạt hiệu quả cao. Bởi vậy, để nhân rộng mô hình, Quảng Nam cần chọn các địa điểm nuôi tránh những tác động xấu của ô nhiễm nguồn nước và lưu ý đến những vùng nuôi đủ điều kiện dinh dưỡng cho hàu sử dụng làm thức ăn. ThS. Nguyễn Văn Hà (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cho biết thêm, hàu nuôi có phát triển tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố của môi trường nước như nhiệt độ, nồng độ muối và thức ăn. “Về mùa đông, hàu có thể bị nhiễm bệnh do nồng độ muối trong nước thay đổi, nhiệt độ thấp. Ngược lại, mùa hè hàu lại bị nhiễm bệnh do nhiệt độ cao, thức ăn thiếu, vi rút gây bệnh dễ có điều kiện phát triển nhanh. Vì vậy, đảm bảo môi trường nước rất quan trọng khi nuôi hàu thương phẩm. Chọn địa điểm nuôi tốt và ban hành lịch thời vụ thả nuôi phù hợp cũng là các yếu tố đảm bảo thành công cho nuôi hàu thương phẩm” – ThS. Hà khuyến cáo.
>> Ương giống tu hài đạt kết quả tốt Song song với việc thực hiện dự án nuôi tu hài và hàu thương phẩm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã triển khai ương giống cấp 1 với 15 vạn tu hài có kích cỡ 3mm. Con giống được ương tại 2 địa điểm gồm hộ ông Nguyễn Đức Xuyên, Bùi Ngọc Hoành. Sau 1 tháng thực hiện, con giống đạt được kích cỡ 2cm, tỷ lệ sống hơn 80%, cấp cho các hộ tham gia mô hình và cấp bổ sung cho một số hộ nuôi thử nghiệm tại khu vực xã Tam Hòa (Núi Thành). Đây là kết quả khả quan, giúp địa phương chủ động sản xuất con giống cấp 2 để phục vụ nuôi thương phẩm. Kết quả ương có tỷ lệ tu hài sống và tốc độ tăng trưởng cao hơn các kết quả nghiên cứu ở Quảng Ninh, Khánh Hòa. |