Quảng Nam: Vào vụ nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời tiết đang diễn biến thuận lợi. Vì vậy, những người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang gấp rút vào vụ.

Gấp rút

Tại xã Cẩm Thanh (TP. Hội An), sau khi phơi đáy ao nhiều ngày,  lúc này những hộ nuôi tôm bắt đầu lấy nước vào ao nuôi và tiến hành quy trình xử lý nguồn nước. Ông Phan Thanh Dũng (ở thôn Thanh Tam Đông), người có hơn 10 năm nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết, nhờ cộng đồng nuôi tôm nước lợ của thôn chung tay tu sửa lại ao nuôi, nên hiện tại ao nuôi rất kiên cố, không thất thoát nước và thẩm lậu. Ngoài ra, nhờ gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh cống nên vào thời điểm này, những ao quảng canh cải tiến trong thôn đã đủ nước cho nuôi tôm. “Sau khi theo dõi thông tin quan trắc môi trường nước của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã chọn con nước tốt để lấy nước vào ao nuôi thông qua các lưới lọc. Sau khi hoàn thành việc diệt tạp, chúng tôi sẽ gây màu nước và tiến hành thả giống. Thời điểm này, nhiệt độ ổn định nhờ nắng ấm nên chúng tôi có thể yên tâm thả giống, bắt đầu vụ mới” – ông Dũng nói. Tại các thôn Hóc Rộ, Thanh Đông, vào thời điểm này, một vài hộ nuôi đang thả giống. Thông thường đầu tháng ba, nắng ấm, thời tiết ổn định nhưng vẫn có vài đợt gió lạnh ùa về nên các hộ nơi đây cẩn trọng thả nuôi vào cuối tháng. Chậm mà chắc nên dịch bệnh trên tôm nuôi rất ít khi xảy ra tại địa phương.

Người nuôi tôm đang gấp rút cải tạo ao nuôi.Ảnh: NGUYỄN QUANG VIỆT 

Người nuôi tôm đang gấp rút cải tạo ao nuôi – Ảnh: Nguyễn Quang Việt

Tại một khu vực rộng lớn được quy hoạch cho nuôi tôm nước lợ kéo dài từ cầu Tỉnh Thủy đến cầu Tam Thanh của TP.Tam Kỳ, đây cũng là thời điểm nông hộ các xã Tam Thăng, Tam Phú và Tam Thanh gấp rút cải tạo ao, đìa chờ ngày thả giống tôm thẻ chân trắng. Ông Nguyễn Văn Lại, chủ hộ nuôi tôm trên 2 ao nuôi với 10 sào diện tích ở thôn Kim Thành, xã Tam Thăng cho biết, những ngày qua, nắng ấm ổn định nên gia đình ông ra sức cải tạo lại ao nuôi, xử lý nguồn nước để thả nuôi trở lại trong một hay hai ngày tới. “Thất bại vừa rồi đã khiến chúng tôi học được nhiều điều bổ ích. Trong  vụ này, chúng tôi sẽ đầu tư kỹ lưỡng hơn và nuôi đúng theo quy trình đã được khuyến cáo. Các công đoạn xử lý nước, thay nước, cho tôm ăn và theo dõi môi trường nước trong ao nuôi sẽ được chú trọng hơn” – ông Lại nói.

Diện tích tôm thả nuôi trước vụ ở vùng triều ven sông của huyện Núi Thành đầu năm 2013 là 30ha (20ha tôm nuôi trong số đó đã bị chết do không đủ sức đề kháng trước những biến động của thời tiết). Vào thời điểm này, các diện tích tôm nuôi bị chết trước đây cũng đang được thả nuôi trở lại tại các xã Tam Hòa, Tam Tiến… Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, để hạn chế rủi ro trong nuôi tôm nước lợ, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo các hộ nông dân cần thực hiện bài bản quy trình nuôi; cần chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, được kiểm dịch giống trước khi xuất bán để tránh rủi ro.

Đề phòng bệnh đốm trắng

Theo ông Trần Văn Hưng, các dự báo về thời tiết năm 2013 đã cho thấy đây là năm rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nói chung, trong nuôi tôm nước lợ nói riêng. Bởi vậy, dù là vùng nuôi tôm thẻ chân trắng rộng lớn nhất tỉnh và gặt hái được nhiều thành công trong vài năm gần đây nhưng ngành nông nghiệp huyện chỉ đề ra con số khiêm tốn về sản lượng thu hoạch là xấp xỉ 7.000 tấn. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng luôn đòi hỏi quy trình nuôi rất khắt khe. Ngoài chăm sóc tôm nuôi, các nông hộ cần phải kiện toàn hệ thống ao nuôi, đầu tư kỹ hệ thống kênh cấp, kênh thoát để có thể xử lý khép kín nguồn nước, tránh “thẩm thấu” mầm bệnh. Theo ông Hưng, do tâm lý ăn xổi ở thì, nhiều người nuôi tôm không bao quát được tính bền vững của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng vốn tiềm tàng nhiều mối nguy. Ý thức của người nuôi tôm quyết định thành bại của nghề nên ngành nông nghiệp huyện đã ra sức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho họ. Tuy nhiên nhiều người nuôi chưa mặn mà tiếp nhận.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, hiện nay thời tiết thuận lợi cho việc thả giống nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, qua các mẫu xét nghiệm, hiện tượng tôm chết do nhiễm vi rút đốm trắng vẫn còn vì vậy người nuôi không được chủ quan. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam khuyến cáo, để phòng ngừa tôm nuôi nhiễm bệnh, trong quá trình nuôi, các nông hộ không nên dùng chung các vật dụng sử dụng trong ao nuôi để tránh lây lan mầm bệnh; trang bị hệ thống lưới quanh ao nuôi để ngăn chim, cò mang các mầm bệnh từ ao này sang ao khác. “Các hộ đang chuẩn bị thả giống cần chú ý theo dõi thời tiết cũng như tình hình bệnh trên tôm nuôi để có kế hoạch thả nuôi phù hợp. Khi thả nuôi, cần quản lý ao nuôi tốt, kiểm soát chặt chẽ môi trường nước. Nếu không may xảy ra bệnh trên tôm nuôi, người nuôi cần thông báo ngay với địa phương và ngành chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời” – bà Tâm nói.

Nguyễn Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!