T3, 20/09/2022 10:34

Quảng Ngãi: “Cần câu cơm” từ nhum biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Như được thiên nhiên ưu đãi, từ bao năm qua, khu vực các gành đá ven bờ biển xã Bình Hải, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ) trở thành nơi cư ngụ, sinh sôi của loài nhum. “Lộc biển” này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà một số người ở vùng khác cũng tìm đến khai thác.

Dưới cái nắng gay gắt, làn nước ở vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn trở nên trong vắt đến lạ thường. Ngư dân Nguyễn Văn Tỵ cùng với những trang thiết bị và ngư cụ như lưới, dàn câu giống như để đánh bắt các loại hải sản tôm, cá khác ra khu vực gành đá nằm cách bờ 20 – 50 m, với mực nước sâu từ 3 – 5 m để săn bắt nhum biển. Ngư dân Tỵ chia sẻ, dụng cụ để “săn” nhum biển khá đơn giản, gồm: 1 đoạn sắt to cỡ nửa ngón tay út, dài từ 0,4 – 0,6 m với một đầu được bẻ cong như lưỡi câu và đầu kia cắm vào cán gỗ, giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước và kính lặn là có thể hành nghề. Sau khi bơi, lặn dọc theo các gành đá phát hiện thấy nhum biển, ngư dân chỉ cần dùng móc sắt móc vào và đưa lên bỏ vào giỏ đựng. “Nghề lặn nhum dù ít nguy hiểm hơn các nghề biển khác nhưng vất vả, cả ngày dầm dưới nước, ăn nghỉ đều ở trên biển. Làm giàu thì khó nhưng bù lại, cũng giúp ngư dân có thêm thu nhập để lo cho gia đình…”, anh Tỵ thổ lộ.

Khu vực các gành đá gần bờ vùng biển Quảng Ngãi có rất đông ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển. Ảnh: Như Đồng

Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, việc săn bắt nhum có thể diễn ra quanh năm, trừ những khi biển động, sóng to và nước đục. Thế nhưng thời gian săn bắt chính vụ hàng năm ở đây thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8. Với thâm niên hơn chục năm trong nghề “săn” nhum, ngư dân Thái Văn Cường ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải cho biết, những năm trước việc đi bắt nhum của người dân trong vùng chủ yếu là mang về chế biến để cải thiện cho bữa ăn của gia đình. Vì vậy số lượng bắt chỉ một vài kg là thôi, nên nhum rất nhiều. Tuy nhiên, gần đây khi thắng cảnh Gành Yến, xã Bình Hải thu hút khách du lịch tham quan, cùng đó, nhum biển với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích.

Nhum con thoạt nhìn khá giống trái chôm chôm, màu đen sẫm, khi trưởng thành có hình tròn, đường kính khoảng 8 – 10 cm, dày 3 – 4 cm, thân nhum phủ đầy gai nhọn dài 3 – 4 cm, khi di chuyển có thể phóng gai. Mỗi ký thịt nhum bán ra khoảng 200.000 – 250.000 đồng, mang lại khoản thu nhập kha khá cho các ngư dân.

Thời gian săn bắt chính vụ hàng năm ở đây thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8

Ngoài các cách chế biến thông thường là ăn sống, nướng và nấu cháo, người dân ven biển xã Phổ Châu còn chế biến thành mắm nhum – một đặc sản nức tiếng gần xa. Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu sử dụng tên địa danh “Sa Huỳnh” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mắm nhum Sa Huỳnh”. Đây là tín hiệu vui, là cơ hội để thương hiệu mắm nhum của địa phương ngày càng phát triển.

Như Đồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!