Theo kế hoạch, tháng 10/2024, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra lần thứ 5 tại Việt Nam để đưa ra quyết định có thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trên cơ sở kết quả thực tế. Các địa phương đang bước vào chặng nước rút gỡ “thẻ vàng” EC.
Qua hệ thống giám sát tàu cá (đối với tàu cá từ 15m trở lên do địa phương quản lý), trong tháng 9/2024 đã phát hiện 18 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày, xử lý 12 tàu cá (bao gồm các tàu cá vi phạm còn thời hiệu), xử phạt 7 trường hợp. Lũy kế đến tháng 9/2024, đã xử lý 417 tàu cá mất kết nối dài ngày trên biển, xử phạt 95 trường hợp. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, đã thông báo đến lực lượng biên phòng tỉnh xử lý. Lũy kế đến tháng 9/2024, còn 95 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển chưa xử lý.
Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất (từ 24m trở lên) theo thông báo của Cục Thủy sản, trong tháng 9/2024, đã tiếp nhận 5 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Lũy kế đến tháng 9/2024, có 3 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, đã xử lý 1 tàu.
Trong tháng 9/2024, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với 35 trường hợp/35 phương tiện, với số tiền hơn 226,7 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, đã xử phạt vi phạm hành chính 143 trường hợp/141 phương tiện, với số tiền gần 2,6 tỷ đồng.
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, xử lý tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản, nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn xảy ra 8 trường hợp/10 tàu cá/84 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó, TX.Đức Phổ có 6 vụ/8 tàu cá/68 ngư dân; huyện Bình Sơn 1 vụ/1 tàu cá/10 ngư dân; huyện Lý Sơn 1 vụ/1 tàu cá/6 ngư dân.
Phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) là địa phương có số lượng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác) ít hơn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, số lượng tàu cá ở Phổ Thạnh vi phạm vùng biển nước ngoài lại tương đối nhiều. Trước thực trạng đó, Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Huỳnh đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương rà soát, tiến hành xác minh, xử lý. Còn các tàu cá neo ở các tỉnh khác, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng, đồn biên phòng ở các tỉnh khác để xử lý.
Thượng tá Phan Quang Hải – Chính trị viên Đồn Biên phòng Sa Huỳnh cho biết, hiện đơn vị đã tăng cường thêm 3 – 4 cán bộ, chiến sĩ cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Huỳnh để thực hiện công tác chống khai thác IUU. Bước vào giai đoạn nước rút nên chúng tôi tập trung xử phạt các tàu vi phạm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU. Trọng tâm là quản lý tốt đội tàu, duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình và quản lý, giám sát sản lượng hải sản qua cảng. Ngoài tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt trên ngư trường, lực lượng chức năng còn thành lập các tổ liên ngành phối hợp với địa phương để tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong ngư dân.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 9/2024, tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng ký là 4.569 chiếc, tăng 233 chiếc so với tháng 8/2024 (tăng do đăng ký cho tàu cá “3 không”). Tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Quảng Ngãi tính từ đầu năm đến nay là 2.081 chiếc, tăng 209 chiếc so với tháng 8/2024. Tỷ lệ tàu cá được đánh dấu cơ bản đạt 100% tàu cá đã đăng ký.
Đến nay, cơ quan chức năng đã cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch mới cho 2.979/4.569 tàu cá, tăng 555 tàu cá so với tháng 8/2024, đạt hơn 65%. Toàn tỉnh, có 2.967 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình, tăng 10 tàu cá so với tháng 8/2024. Tỷ lệ lắp đặt đạt 99,42% trên tổng số tàu đang hoạt động, trừ 95 tàu nằm bờ trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: Hồng Hoa
Nguồn: Báo Quảng Ngãi