Chính sách hỗ trợ ngư dân là liều thuốc “trợ lực” giúp họ vượt qua rào cản về giá cả nguyên, nhiên liệu liên tục tăng, về đối diện với thiên tai, nhân tai… để một lòng bám biển vươn khơi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ngư dân đã gặp không ít vướng mắc. Họ đang cần “trợ lực” đúng nghĩa để vững lòng vươn khơi.
“Khó” từ chính sách
Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp rồi nhân tai luôn rình rập mỗi con tàu ra khơi, Chính phủ đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản trên các vùng biển xa tại Quyết định 48/2010/QĐ – TTg ngày 13/7/2010. Qua gần 2 năm thực hiện, nhiều ngư dân cho rằng, nếu thủ tục được hỗ trợ gọn nhẹ thì chính sách này chẳng khác gì liều thuốc “trợ lực” giúp họ vươn khơi.
Khi đóng được con tàu lớn, ngư dân lại chịu quá nhiều chi phí cho việc lập thủ tục hồ sơ.
>> Quảng Ngãi có khoảng 2.250 tàu có công suất trên 90CV làm các nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và các nghề khác. Các tàu này đủ sức vươn khơi xa nhưng chỉ có 679 chiếc đăng ký đánh bắt vùng biển xa được xét hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ. |
Theo Quyết định 48, tàu ngư dân đánh bắt xa bờ được hỗ trợ thì phải có xác nhận của chính quyền trên đảo và nhà giàn. Những tàu nào trang bị máy HF thì đăng ký với máy chủ trạm bờ khi đánh bắt vùng biển xa chỉ cần nhắn tin về máy chủ, ngành chức năng sẽ căn cứ tọa độ con tàu hoạt động để hỗ trợ. Lão ngư Huỳnh Văn Minh, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), bộc bạch: “Gần cả đời đi biển, có bao giờ trông chờ Nhà nước hỗ trợ đâu. Nay, có chính sách hỗ trợ đánh bắt trên vùng biển xa là đáng mừng nhưng làm thủ tục phức tạp quá. Khó nhất là mỗi lần đang đánh bắt ở ngoài khơi lại nghĩ đến chuyện đưa tàu vào các đảo, nhà giàn để chứng thực rồi mới ra về.
Thấy bất tiện nên bao chuyến đi rồi, tôi cũng không muốn làm thủ tục nữa”. Đa số các chủ tàu khác ở xã Nghĩa An cũng bày tỏ những băn khoăn về chuyện mình đã trình nộp hồ sơ, thủ tục các chuyến theo yêu cầu, song cũng chưa nhận đầy đủ, hay có một số trường hợp có đánh bắt vùng biển xa nhưng không làm thủ tục để được hỗ trợ. Còn nhiều ngư dân ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), Phổ Thạnh (Đức Phổ) làm nghề câu mực, lưới vây ở vùng biển xa quanh năm, khi về làm thủ tục để được hỗ trợ thì cũng cùng chung hoàn cảnh như ngư dân Nghĩa An.
Muốn được nhận hỗ trợ ngoài việc ký xác nhận của chính quyền các đảo và nhà giàn thì ngư dân phải làm thủ tục trình sổ hành trình ký xác nhận của đồn, trạm biên phòng ngày đi, ngày về của phương tiện… Để làm được thủ tục đầy đủ, ngư dân phải mất nhiều thời gian, đôi lúc lỡ cả chuyến biển, hay đối diện với rủi ro, nhất là lúc biển động, mỗi lần đưa tàu vào các đảo để ký xác nhận cũng gặp khó khăn khi cập bến, có tàu lại mắc cạn.
Từ bất cập này đã có nhiều ngư dân lợi dụng “kẽ hở” của chính sách gửi máy HF cho các con tàu khác đi đến vùng biển xa đánh bắt để nhắn tin về Trạm bờ và gửi giấy ký xác nhận nhằm gian lận khi làm hồ sơ để được hỗ trợ theo Quyết định 48. Theo Sở NN&PTNT, từ tháng 4 đến tháng 10 đã có 7 trường hợp gian lận; trong đó đã có 4 trường hợp gửi máy HF và 3 trường hợp sử dụng giấy xác nhận mẫu 4a, có chữ ký xác nhận tại đảo nhưng người ký trong thời gian đó thực tế đã chuyển công tác đi nơi khác…
“Nặng gánh” thủ tục
Ngoài thủ tục bất cập để được hỗ trợ theo Quyết định 48, ngư dân còn đối diện với thủ tục để được xuất bến một con tàu vươn khơi. Thực tế lâu nay, ngư dân Quảng Ngãi đóng tàu theo kinh nghiệm truyền thống. Ở các làng chài đã có những đội thợ chuyên nghiệp từng đóng những con tàu lớn vững chắc vươn khơi xa. Thế nhưng, để hợp thức hóa con tàu ra khơi, chủ tàu phải nhờ ngành chức năng lập thủ tục thiết kế hoàn công. Chi phí tốn kém đến 15 triệu đồng/con tàu. Vì không hiểu biết thủ tục giấy tờ và sợ mất nhiều thời gian lỡ đến chuyến biển, nhiều ngư dân phải nhờ người hiểu biết đến cơ quan chức năng làm thủ tục rồi họ trả tiền chi phí.
Gặp ông Nguyễn Thanh N ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu (Bình Sơn) tại Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông cho biết: “Đã giã từ biển mấy năm nay rồi. Bà con nhờ làm thủ tục đóng mới tàu thì mình giúp”. Theo lời ông N kể thì đợt này ông đi làm thủ tục thiết kế hoàn công cho tàu ông Trần P. Tàu ông P đóng mới hoàn thành, giờ nhờ Chi cục xuống giám sát xem khung sườn mê đà, kiểm tra thùng và ca bin; hệ thống động lực và xuống nước hạ thủy con tàu là xong.
Số lượng tàu nhỏ của Quảng Ngãi còn quá lớn, nhiều ngư dân muốn vươn khơi xa thì không có vốn đóng tàu công suất lớn.
Con tàu ông P đóng mới hoàn toàn theo kinh nghiệm dân gian, nhưng để hợp thức hóa thủ tục ra khơi, ông P phải kê khai với Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để Chi cục thuê một đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán đóng mới tàu để làm hồ sơ. Hồ sơ này sẽ được duyệt và ghi tên tuổi của chủ tàu P để lưu. Chủ tàu P phải nộp kinh phí 15 triệu đồng.
Như vậy, tất cả là vì thủ tục mà ngư dân phải tiếp tục tốn một khoản kinh phí lớn cho con tàu ra khơi. Trong khi đó, ngư dân Quảng Ngãi còn khá nghèo, tàu nhỏ chiếm số lượng lớn. Để đóng mới một con tàu vươn khơi là cả một quá trình nỗ lực của họ. Có ngư dân phải vay mượn bà con, ngân hàng và cả thế chấp để đóng tàu mới. Vậy mà, để đưa được tàu ra khơi, ngư dân phải gánh chịu những thủ tục rườm rà, tốn quá nhiều chi phí và thời gian. Họ đang cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để giúp họ rộng đường vươn khơi, để mỗi con tàu vươn khơi vừa làm giàu, vừa là mỗi cột mốc để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
>> Ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Hiện nay, nhiều ngư dân đã lợi dụng “kẽ hở” từ chính sách để được hỗ trợ, Sở đã điều tra loại bỏ các đối tượng này. Thời gian đến, Sở sẽ tuyên truyền cho ngư dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ từ chính sách, để ngư dân điều chỉnh trong suy nghĩ và hành động của mình đồng thời, khuyến khích ngư dân đăng ký lắp đặt máy HF để dễ quản lý. Kinh phí này Nhà nước sẽ hỗ trợ hoàn toàn. Còn đối với thủ tục thiết kế một con tàu thì ở Quảng Ngãi chưa có cơ quan tư vấn thiết kế lập dự toán đóng mới tàu. Lâu nay, bà con muốn đóng tàu phải thuê nhà thiết kế từ nơi xa. Trong thời gian đến, Sở sẽ kêu gọi các nhà đầu tư về lĩnh vực tư vấn nghề cá, ngư dân sẽ thuận lợi hơn trong việc đóng mới tàu. *Ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn: Huyện Bình Sơn có gần 1.400 chiếc tàu, nhưng chỉ có 302 chiếc tàu có công suất 90CV đánh bắt vùng biển xa, còn gần 1.100 chiếc đánh bắt tuyến lộng và bờ. Nhiều năm qua, Nhà nước có chính sách khuyến khích ngư dân cải hoán đóng mới tàu thuyền nhằm nâng công suất vươn khơi xa nhưng chính sách hỗ trợ không nhiều. Thực hiện Quyết định 48, huyện Bình Sơn đã triển khai 7 đợt hỗ trợ cho ngư dân với kinh phí gần 10 tỷ đồng, nhưng số tiền này chia cho nhiều ngư dân nên để đóng mới một con tàu là quá ít. Huyện mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ nguồn vốn lớn, hay cho vay lãi suất thấp để ngư dân có điều kiện đóng mới tàu vươn khơi xa. *Ông Nguyễn Kỳ – Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ): Nhiều ngư dân đã kiến nghị, thủ tục để hỗ trợ cho bà con theo Quyết định 48 còn quá rườm rà, như đang đánh bắt ở vùng biển xa, gặp đàn cá bơi theo dòng hải lưu, con tàu phải đuổi theo, theo mãi, đến khi đánh được mẻ cá thì tàu đã đi quá xa đảo và nhà giàn, muốn quay lại chứng giấy tờ thì tốn quá nhiều chi phí, họ đành bỏ xác nhận chuyến biển đó. Ở địa phương có nhiều trường hợp như vậy, ngư dân đã chịu thiệt. Ngành chức năng nên tạo điều kiện cho ngư dân được hỗ trợ máy HF để bà con thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục. Còn vấn đề gian lận thì xã sẽ tuyên truyền cho bà con hiểu ý nghĩa của việc hỗ trợ, đồng thời theo dõi để hạn chế tối đa tình trạng này. *Ngư dân Huỳnh Tấn Văn – xã Nghĩa An (Tư Nghĩa): Dù có khó khăn ngư dân cũng phải ra khơi. Ngư dân yêu biển như nông dân yêu ruộng đồng. Bởi, đó là con đường mưu sinh, nhưng con đường này hiện không còn thuận lợi. Thế mà, sắm được phương tiện ra khơi, ngư dân phải nộp phí thủ tục quá lớn. Đến khi được hỗ trợ từ chính sách thì lại thấp thỏm chờ. Từ đầu năm đến giờ, con tàu mình đã thẳng tiến đến vùng biển xa đánh bắt 5 chuyến rồi, nhưng chỉ làm thủ tục có hai chuyến. Vậy mà đến giờ vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Mong các cấp, ngành chức năng đơn giản hóa thủ tục để giúp ngư dân thuận lợi ra khơi. |