Thời điểm này những năm trước, nhiều ngư dân ở các xã bãi ngang ven biển trúng đậm mùa tôm nhí (tôm hùm con). Thế nhưng năm nay, mùa tôm nhí thất thu, không ít phương tiện phải nằm bờ, úp thúng vì liên tiếp lỗ phí.
Những ngày này, chúng tôi về vịnh Dung Quất, xã Bình Thuận (Bình Sơn), khác với không khí nhộn nhịp, đông đúc tàu, thuyền neo đậu để lặn bắt tôm nhí như mọi năm, hàng chục chiếc thuyền phải nằm bờ; những chiếc thúng đang nằm úp trên các tảng đá xen lẫn những ụ lưới to chưa một lần nhúng nước.
Ngồi buồn hiu nhìn ra biển, ngư dân Lê Đức Trí chủ tàu QNg B3125 cho biết “Xưa nay, chưa bao giờ tôi nghĩ đến cảnh cả đêm thức trắng bươn bả với sóng mà chỉ bắt được vài con, thậm chí là không có con tôm nào”.
Tàu nằm bờ
…úp thúng do vụ tôm nhí thất thu.
Mùa đánh bắt tôm nhí ở Quảng Ngãi thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến khoảng tháng 3 âm lịch năm sau. Nghề này không cần thuyền to, máy lớn, không tốn nhiều phí tổn cũng như thời gian như các nghề đánh bắt khác. Vùng đánh bắt tôm nhí chỉ cách bờ từ 1 – 3 hải lý nên phương tiện chỉ cần tàu có công suất từ 15 – 30 CV. Ngư cụ thì chỉ cần lưới mành, máy hơi nén, dây hơi, kính lặn… Hằng ngày, vào khoảng 16 – 17 giờ, mỗi chiếc thuyền từ 5 – 6 ngư dân ra khơi quanh những, rạng đá ngầm, chong đèn, đợi tôm bu vào mành, đến sáng sớm hôm sau kéo mành lên và thu hoạch rồi trở về bến.
Xưa nay, ngư dân vốn xem tôm nhí là lộc trời. Trong nghề biển không có nghề nào đánh bắt vừa đơn giản mà lại có ăn như khai thác tôm nhí. Chỉ sau một đêm nhiều người trở thành tỷ phú. Bởi vậy, cứ đến vụ tôm nhí là hầu như số tàu thuyền nhỏ đều chuyển sang đánh bắt tôm nhí.
Năm ngoái, nhiều phương tiện khai thác ở vùng vịnh Dung Quất có những chuyến biển bội thu. Sau mỗi đêm khai thác, 1 phương tiện đánh bắt được vài trăm con, thậm chí là cả nghìn con, thu về bạc tỷ. Đặc biệt, nhiều người còn bỏ ăn Tết để ra khơi và trúng đậm.
Để chuẩn bị cho mùa vụ đánh bắt tôm hùm giống năm nay, ngay từ đầu vụ, nhiều ngư dân đã đầu tư 50 – 60 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa ghe, sắm ngư lưới cụ, thúng, mành đèn… Tuy nhiên, năm nay, những đêm “hoàng kim” ấy đã không lặp lại. Trong các chuyến biển vừa qua, nhiều phương tiện mành nhí lỗ phí vì chẳng thu được con nào.
Ngồi vá lại những mảnh lưới bị thủng để chuẩn bị ra vùng biển Lý Sơn, chị Hoa, ở thôn Tuyết Diêm 2 thở dài: “Với phí tổn 600.000 đồng/đêm/tàu mà chẳng bắt được con nào nên nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ đợi trời êm cho tàu đi Lý Sơn đánh bắt cá hố”.
Hiện, giá thu mua tôm hùm giống đang ở mức 260.000 – 280.000 đồng/con, cao nhất từ trước tới nay nhưng sản lượng tôm nhí giảm đến 90% so với năm ngoái. Theo bà con, nguyên nhân khiến tôm nhí mất mùa là năm nay ít mưa bão, không có lụt. Bởi theo quy luật, mùa lũ rác theo dòng nước từ sông đổ ra cửa, thuỷ lưu lại gom nhặt chúng rồi đưa vào vịnh tạo thành những lán nước. Khoảng từ tháng mười một âm lịch khi lũ lụt đã đi qua đến tháng ba năm sau, tôm hùm ngoài khơi vào đây đẻ trứng, và nở ra tôm nhí.
Chị Nguyễn Thị Phương, một đại lý thu mua tôm ở xã Bình Thuận cho hay, vụ tôm năm nay vừa trễ vừa thất thu so với mọi năm. Nếu như năm ngoái, đến thời điểm này, chị mua được 6.000 con thì nay chỉ mới được 50 con, trong khi các trại nuôi tôm ở Phú Yên, Khánh Hòa đặt hàng rất nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết, Toàn xã hiện có 154 chiếc thuyền với 806 lao động chính chuyên đánh bắt tôm hùm giống. Những mùa khác họ làm chỉ đủ ăn nên trông đợi vào mùa tôm nhí. Thế mà tôm nhí cũng chẳng có mà cá hố cũng mất mùa, khiến đời sống bà con ngư dân lâm vào cảnh khó khăn.