Trong đợt kiểm tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Quảng Ngãi mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để gỡ thẻ vàng thủy sản, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm; trong đó, phải có sự quyết tâm và quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thời điểm này đang là cao điểm để cả nước triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ chống khai thác IUU, để Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ “thẻ vàng” đối với ngành khai thác thủy sản của nước ta. Tại Quảng Ngãi, thời gian qua, tỉnh và chính quyền các địa phương ven biển đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện chống khai thác IUU và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu mất kết nối của Quảng Ngãi còn rất nhiều.
Đội tàu đánh bắt hải sản của xã Bình Hải (Bình Sơn) đang neo trú tại địa phương. Ảnh: Hồng Hoa
Theo thông báo của Trung tâm Thông tin thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), đến tháng 6/2024 đã phát hiện 42 lượt tàu cá của Quảng Ngãi mất kết nối hơn 10 ngày trên biển (đối với tàu cá từ 24m trở lên). Trong đó, có nhiều tàu mất kết nối nhiều lần. Có 2 tàu hoạt động mất kết nối trong tháng 5/2024 đang được Đồn Biên phòng Bình Thạnh (Bình Sơn) xác minh, xử lý. Còn 26 tàu hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ nhiều năm không về địa phương nên chưa xác minh, xử lý.
Ngoài ra, có 624 lượt tàu cá mất kết nối trên 6 giờ đến dưới 10 ngày. Trong đó, có khoảng 80% số tàu đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ nhiều năm không về địa phương; có 25 tàu hoạt động tại Quảng Ngãi và nhiều tàu đang hoạt động ở Trường Sa chưa về bờ.
Quảng Ngãi cũng đã phát hiện có trên 550 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày. Cơ quan chức năng đã làm việc với chủ các tàu cá này và xử lý 256 trường hợp.
Hiện Quảng Ngãi có hơn 4.200 tàu, nhưng chỉ có hơn 2.000 tàu (48%) cập cảng trong tỉnh, còn gần 2.200 chiếc (52%) cập cảng ngoài tỉnh. Sản lượng hải sản đánh bắt được đi vào các cảng ngoại tỉnh chiếm tới 57%. Điều đáng nói, tỉnh chưa quản lý được số tàu làm ăn ngoài tỉnh nhiều tháng, nhiều năm không về địa phương, dẫn đến nhiều trường hợp tàu ngắt kết nối nhiều ngày, nhiều tháng vẫn không xử lý được. Tỷ lệ tàu duy trì kết nối VMS của Quảng Ngãi chỉ đạt 30%, trong khi bình quân của cả nước là 60%. Bên cạnh đó, số lượng ghi nhật ký thủy sản đạt thấp (15%), tỷ lệ ghi sai còn cao.
Theo Sở NN&PTNT, có rất nhiều tàu cá của Quảng Ngãi đi khai thác hải sản ở các vùng biển và về neo đậu ở các tỉnh, thành phố khác nhiều năm không về địa phương. Còn chủ các tàu cá này một năm chỉ về vài lần, hoặc tết Nguyên đán mới về. Sở đã phối hợp với các địa phương, lực lượng biên phòng đến nhà các chủ tàu tuyên truyền về Luật Thủy sản và nghiêm cấm các hành vi khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Ngoài ra, Sở cũng thành lập đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố mà tàu cá của Quảng Ngãi neo đậu, nhưng không thể xử phạt được vì có phương tiện nhưng không có chủ tàu.
Ngư dân Quảng Ngãi khai thác hải sản trên biển. Ảnh: M.Thu
“Quảng Ngãi đã xử phạt vi phạm đối với tàu của ngư dân trong tỉnh và tàu của ngư dân ngoài tỉnh cập vào cảng của tỉnh. Vì vậy, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các tỉnh, thành phố khác cũng thực hiện xử phạt các tàu cá của Quảng Ngãi vi phạm chống khai thác IUU khi cập vào cảng các địa phương. Việc xử lý, xử phạt cần đồng bộ ở tất cả các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác hải sản, có như vậy mới quản lý tốt được các đội tàu”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương kiến nghị.
Thời gian qua, hệ thống khung pháp lý cho hoạt động chống khai thác IUU tiếp tục được hoàn thiện. Nổi bật là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017. Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT quy định về đăng kiểm tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.
Đặc biệt, ngày 12/6/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Nghị quyết 04 gồm 11 điều hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản. Đối tượng đưa ra xét xử là những người chủ mưu, người môi giới, tổ chức xuất, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép và những người tái phạm nhiều lần, không xử người đi làm thuê.
Từ ngày 1/8/2024, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT). Việc đưa vào sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử sẽ đảm bảo việc theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định về công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, công tác chống khai thác IUU được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị. Do đó, Quảng Ngãi phải quản lý chặt đội tàu, phải biết được tàu đang ở đâu, tọa độ, vĩ độ nào. Ngay cả tàu nằm bờ cũng phải bật giám sát hành trình. Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản phải đúng, đủ, không làm xuê xoa. Hiện các quy định, chế tài xử lý đã có. Vì vậy, Quảng Ngãi cần gấp rút đưa ra các giải pháp căn cơ và thực hiện rốt ráo các vấn đề còn tồn tại, có như vậy mới mong gỡ được thẻ vàng thủy sản.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi