Quảng Ngãi: Hiệu quả bất ngờ từ nuôi ghép tôm, cua, cá đối mục

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau hơn 3 tháng thả nuôi, mô hình nuôi ghép tôm, cua, cá đối mục thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả đáng kể cho người dân tại 2 xã Bình Dương và Bình Chánh, huyện Bình Sơn. Với sản lượng tôm đạt 3,6 tấn, cua biển 2,1 tấn và cá đối mục đạt 1 tấn. Tổng thu của mô hình trên 858 triệu đồng, thu lãi gần 230 triệu đồng.

Để giúp người dân NTTS của huyện Bình Sơn ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn đã triển khai Dự án “Vùng nuôi thủy sản nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu”; góp phần làm thay đổi phương thức nuôi tôm độc canh thường xảy ra dịch bệnh, sang nuôi ghép TTCT, cua biển, cá đối mục thân thiện với môi trường, dễ nuôi và ít xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi.

Năm 2021, Dự án triển khai trên tổng diện tích 2 ha tại 2 xã Bình Dương và Bình Chánh với 8 hộ dân tham gia thực hiện. Các ao nuôi trong mô hình có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2, độ sâu mực nước ao nuôi từ 1,2 – 1,3 m. Tổng số giống TTCT thả nuôi là 800.000 con (mật độ 40 con/m2), cua biển 20.000 con (mật độ 1 con/m2), cá đối mục 6.000 con (mật độ 1 con/3 m2).

Sau hơn 3 tháng thả nuôi, sản lượng TTCT đạt 3.606 kg, cua biển đạt 2.114 kg và cá đối mục đạt 1.014 kg. Tổng thu của mô hình đạt trên 858 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, mô hình cho lãi gần 230 triệu đồng.

Tham quan, tổng kết mô hình nuôi ghép TTCT, cua biển và cá đối mục tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn. Ảnh: Mạnh Hùng

Ông Nguyễn Hoàng Phương ở xã Bình Dương tham gia mô hình cho biết, giữa tháng 4/2021, trên diện tích 2.000 m2 ao nuôi tôm của gia đình, ông bắt đầu thả 2.000 giống cua biển và hơn 650 giống cá đối mục. Đến đầu tháng 6/2021 tiếp tục thả 80.000 giống TTCT. Sau hơn một tháng thả nuôi, cua và cá đối mục sinh trưởng, phát triển tốt, nhờ đặc tính ăn tạp của cá đối mà mùn bã hữu cơ và rong, tảo nơi đáy ao nuôi được dọn sạch, thông thoáng, các loại tảo có lợi trong ao phát triển tốt, sinh vật phù du phát triển mạnh. Nhờ vậy, các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi được ổn định, thuận lợi cho việc thả tôm giống. Trong thời gian triển khai mô hình, ông Phương đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi ghép tôm, cua biển, cá đối mục đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn hướng dẫn. Sau hơn 3 tháng nuôi đối với tôm và 5 tháng nuôi đối với cua biển, cá đối mục, gia đình ông Phương thu được gần 300 kg cua biển, với giá bán 190.000 đồng/kg, 500 kg TTCT, bán giá 100.000 đồng/kg và 150 kg cá đối mục với giá 95.000 đồng/kg. Tổng thu từ tôm, cua, cá là trên 120 triệu, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông Phương lãi 35 triệu đồng.

Là hộ dân gắn bó với nghề nuôi tôm trong ao đất vùng triều nhiều năm nay; nhưng những năm gần đây, môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm không được đảm bảo, nên không mang lại hiệu quả, ông Huỳnh Khanh ở xã Bình Chánh đành phải bỏ hoang hồ nuôi. Đến tháng 4/2021, ông được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn chọn tham gia thực hiện mô hình nuôi ghép TTCT với cua biển và cá đối mục. Trên diện tích 3.000 m2 hồ nuôi tôm của gia đình, ông Khanh thả nuôi 3.000 cua biển, 1.000 cá đối mục và 120.000 TTCT. Kết thúc vụ nuôi, gia đình ông Khanh thu được 450 kg cua biển, hơn 230 kg cá đối mục và 750 kg tôm thương phẩm. Tổng thu từ tôm, cua và cá đối mục là hơn 180 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, gia đình ông Khanh còn lãi gần 70 triệu đồng.

Cá đối mục trong mô hình

Anh Nguyễn Văn Tình, cán bộ kỹ thuật theo dõi, hỗ trợ thực hiện mô hình cho biết, nuôi ghép tôm với cua biển và cá đối mục dễ hơn so với nuôi độc canh con tôm; lại tận dụng được tối đa diện tích mặt nước, tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho người nuôi. Tuy nhiên do nuôi ghép nhiều đối tượng nuôi trong ao, nên công tác quản lý chất lượng nước ao là hết sức quan trọng. Các yếu tố môi trường nước cần phải được duy trì trong ngưỡng thích hợp như: nhiệt độ 26 – 320C, pH 7,5 – 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan phải từ 4 mg/l trở lên. Cùng đó, cần duy trì màu nước ao nuôi có màu xanh đọt chuối non, bởi khi màu nước ổn định thì các chỉ tiêu khác như pH, ôxy hòa tan… cũng sẽ ổn định. Tốt nhất nên lắp đặt hệ thống quạt nước nhằm đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong ao, hạn chế phân tầng nhiệt độ trong những ngày nắng nóng, tạo dòng chảy gom chất thải, giải phóng một số khí độc trong ao nuôi…

Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết, qua hai năm thực hiện Dự án “Vùng nuôi thủy sản nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu” cho thấy, mô hình nuôi ghép tôm – cua biển – cá đối mục rất phù hợp ở các vùng nuôi thủy sản của huyện Bình Sơn và đặc biệt phù hợp với các ao nuôi thủy sản vùng triều. Bởi khi nuôi chung các loài này sẽ lợi dụng được tính ăn mùn bã hữu cơ của cá đối mục, chúng sẽ chuyển hóa các chất gây hại ở đáy ao thành những chất ít gây hại hơn đối với vật nuôi, góp phần làm giảm ô nhiễm đáy ao. Ngoài ra, tảo trong ao nuôi cũng là thức ăn cho cá đối mục, do vậy sẽ giảm được nguy cơ tảo bùng phát làm biến động các yếu tố môi trường, đặc biệt là vào mùa nắng nóng khi quá trình quang hợp của tảo diễn ra mạnh mẽ. Các đối tượng nuôi kết hợp trong mô hình đều là những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và có tính tương hỗ lẫn nhau; góp phần cân bằng môi trường sinh thái, giúp cho môi trường ao nuôi ổn định hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi.

Phương thức nuôi kết hợp này sẽ giảm rủi ro cho người nuôi ở ao đất vùng triều. Qua đó, các hộ thực hiện mô hình đã chia sẻ kinh nghiệm đối với các hộ dân xung quanh có nhu cầu để phát triển mô hình này hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Mạnh Hùng

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!