Nhiều ngư dân đã ứng dụng công nghệ trong khai thác thủy sản, giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt, hướng đến nghề cá bền vững, hiện đại.
Ngư dân Nguyễn Gia Viên, ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn) là một trong những người tiên phong áp dụng các công nghệ hiện đại vào khai thác thủy sản. Tàu cá QNg 96815 TS có công suất 800CV của anh Viên đã được trang bị máy dò ngang, máy chụp, máy đo dòng chảy. Bên cạnh đó, để tiết kiệm nhiên liệu và thu hút đàn cá, anh Viên đã chuyển từ đèn huỳnh quang sang đèn led phục vụ nghề lưới rút đêm.
Nhiều tàu cá của ngư dân đã áp dụng công nghệ đèn led trong khai thác hải sản, góp phần tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Anh Viên cho biết, máy dò ngang là thiết bị tiên tiến, có phạm vi bán kính tầm dò 2.000m, giúp kiểm soát được vùng nước xung quanh tàu và phát hiện những đàn cá ở vị trí cách xa tàu. Còn máy chụp có thể quét được tín hiệu rộng và sâu, giúp ngư dân phát hiện đàn cá ở nhiều vị trí khác nhau, đồng thời đoán được sản lượng đàn cá và biết được loại cá. Nhờ đó, giúp ngư dân chủ động giăng loại lưới phù hợp với từng loại cá.
Đối với máy dò dòng chảy, giúp thuyền trưởng nhận biết được vùng nước xấu, có chướng ngại vật để tránh né hoặc xác định được vùng nước không thể đánh bắt. Từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức. “Tôi và các bạn tàu đã hùn vốn để mua máy dò ngang với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, mua máy chụp gần 1,7 tỷ đồng, máy đo dòng chảy gần 600 triệu đồng. Nhờ có những thiết bị đánh bắt hiện đại này mà tàu cá của tôi không còn phải mò mẫm đi tìm luồng cá như trước; năng suất, sản lượng khai thác tăng từ 1,5 – 2 lần so với trước khi sử dụng các thiết bị này. Trung bình mỗi năm, tàu tôi đánh bắt được 400 – 500 tấn cá các loại. Có năm được mùa, sản lượng hải sản đánh bắt đạt 700 – 800 tấn, đem lại thu nhập cho các bạn tàu từ 200 – 300 triệu đồng/ người/năm”, anh Viên cho biết thêm.
Những năm gần đây, ngư dân ở huyện Lý Sơn đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ đánh bắt và đảm bảo an toàn trên biển. Ngoài ra, nhiều chủ tàu cũng đã đầu tư hầm bảo quản ứng dụng công nghệ PU, giúp bảo quản tốt hải sản sau khai thác, tăng giá trị kinh tế.
Ngư trường bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm. Do đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác thủy sản là rất cần thiết. Ngành thủy sản khuyến khích các ngư dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong khai thác thủy sản, nâng cao hiệu quả đánh bắt, hướng đến nghề cá bền vững, hiện đại. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, sản lượng thủy sản khai thác hằng năm tăng là nhờ ngư dân mạnh dạn đầu tư phương tiện tàu thuyền, tăng công suất, đồng thời áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến như lưới chụp 4 tăng gông, lưới rê xù, câu cá ngừ đại dương bằng ánh sáng, sử dụng đèn led thay thế đèn huỳnh quang, sợi đốt.
Đặc biệt là đưa vào ứng dụng máy dò ngang, máy chụp, máy ra đa, máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy định vị… Việc áp dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào đánh bắt hải sản đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hiện ở tỉnh ta số lượng tàu được trang bị các loại máy móc hiện đại còn hạn chế. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư các thiết bị quá lớn nên nhiều chủ tàu chưa có điều kiện. Vì vậy, ngành chức năng cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt các thiết bị hiện đại, giúp tàu khai thác hải sản xa bờ nâng cao hiệu quả đánh bắt, hướng đến nghề cá bền vững, hiện đại.
LỌC NƯỚC BIỂN THÀNH NƯỚC NGỌT
Với đặc thù thời gian đánh bắt trên biển kéo dài gần 3 tháng nên mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu phải chuẩn bị hàng chục nghìn lít nước để uống và nấu ăn. Tuy nhiên, nước ngọt dự trữ vẫn không đủ để phục vụ sinh hoạt của ngư dân trên biển. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, những năm gần đây, các tàu câu mực khơi ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) đã đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt.
Ngư dân Nguyễn Tự, chủ tàu QNg 95456 TS, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh chia sẻ, trung bình mỗi tàu câu mực đi từ 25 - 50 người nên không thể mang theo đủ nước để uống trong mấy tháng đánh bắt trên biển. Vì vậy, tôi đã đầu tư 120 triệu đồng để mua máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nhờ có máy lọc nước nên không sợ thiếu nước ngọt trong những ngày đánh bắt trên biển. Mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi không cần phải vật vã vận chuyển nước ngọt lên tàu. Toàn xã Bình Chánh hiện có gần 70 chiếc tàu câu mực ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa 3 tháng mới về một lần. Tất cả các tàu câu mực đều đã trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt.
Bài, ảnh: Hồng Hoa
Nguồn: Báo Quảng Ngãi