T2, 06/07/2020 10:12

Quảng Ngãi: Mùa biển “no”

Chưa có đánh giá về bài viết

Mùa biển năm nay, tuy trời yên, nhưng biển vẫn không lặng “sóng”. Nhiều ngư dân trong tỉnh Quảng Ngãi phải vận dụng tất cả các loại phương tiện hiện đại, kinh nghiệm bám biển, bám ngư trường để đánh bắt. Nhờ đó, những chuyến biển liên tiếp đánh bắt hải sản khơi xa tàu trở về cá, tôm luôn đầy khoang.

 Mùa này, ở cửa Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ) tàu thuyền vẫn vượt cửa biển bồi ra vào tấp nập. Làng chài luôn nhộn nhịp. Sau khi khuân cá lên cảng, ngư dân Nguyễn Văn Luyện xã Phổ Quang (Đức Phổ) cười tươi, bảo: Chuyến biển cuối mùa, nhưng vẫn thu được lượng cá lớn. Anh em bạn thuyền người cũng kiếm được từ 5-6 triệu đồng. Từ đầu năm đến giờ anh xuất bến được 8 chuyến biển. Không có chuyến nào tàu anh bị lỗ tổn hay thất thu.

Ngư dân Lý Sơn được mùa cá nục. 

Ngư dân Lý Sơn được mùa cá nục. 

Vượt qua cái khó chung của ngư dân về thiên tai, nhân tai luôn rình rập ở mỗi con tàu ra khơi, ngư dân Phổ Quang còn phải đối mặt với nạn biển bồi ở cửa Mỹ Á, nhưng nhờ biển được mùa cá nên bà con vui mừng xua đi nỗi nhọc nhằn. Ông Nguyễn Xếch – Trưởng vạn thôn Hải Tân xã Phổ Quang, cho biết: “Mùa này mưa gió thất thường, nên ngư dân đã chuyển nghề đánh bắt khơi xa sang đánh bắt nghề lưới rút trong lộng để kiếm thêm thu nhập. Nhiều tàu sau một ngày trở về cũng đầy ắp cá. Cuộc sống bà con năm nay khấm khá hơn nhiều”. Đến thời điểm này, ngư dân Phổ Quang đã đánh bắt được khoảng 9.500 tấn hải sản, đạt gần 80% kế hoạch năm. 

Cùng với ngư dân Phổ Quang, ngư dân Nghĩa An (Tư Nghĩa) cũng khấp khởi vui mừng sau gần một mùa biển nỗ lực. Ngư dân Nguyễn Anh, khẳng định: “Năm nay, biển êm, nhưng việc ra khơi bây giờ không còn như trước nữa, phải trang bị cho mình kinh nghiệm đánh bắt, bên cạnh phải có phương tiện hỗ trợ. Giữa biển khơi mênh mông, không có phương tiện máy dò cá, máy định vị thì cũng không làm ăn gì được”. 

Chuyến biển nào được mẻ cá đậm, tại vị trí nào, mùa nào con cá di chuyển, con cá đi theo dòng hải lưu về đâu… anh đều ghi chép vào sổ nhật ký của mình cẩn thận. Để rồi mùa biển năm sau anh lại tiếp tục dong thuyền ra tọa độ, ví trí đó để đánh bắt. Nhờ sự tỉ mẩn mà mùa biển năm nay, 3 chiếc tàu cá của anh đều có thu nhập khá. 21 bạn thuyền đi trên các chiếc tàu của anh đều có cuộc sống no đủ. Hay như ngư dân Huỳnh Văn Minh bao đời nay, hành nghề lưới chuồn, nhưng đến nay, đóng tàu lớn ra khơi câu cá ngừ đại dương mang về thu nhập cao. 

Nhờ linh hoạt trong cách làm ăn, bám biển, bám ngư trường nên sau gần một mùa biển nhiều ngư dân ở Nghĩa An đã có cuộc sống no đủ. Toàn xã có khoảng 920 chiếc tàu, trong đó có 507 chiếc có công suất từ 90CV trở lên đánh bắt khơi xa. Đến thời điểm này, ngư dân trong xã đánh bắt đạt sản lượng hơn 30.000 tấn (87% kế hoạch năm). 

Ngư dân các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Đức Phổ cũng được mùa cá. Nhiều ngư dân cho rằng đây là mùa biển “no”. Nhờ đó, đã kéo theo các nghề hậu cần trên bờ hoạt động nhộn nhịp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Chị Lê Thị Thanh – Chủ cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), cho biết: Mùa biển năm nay được mùa nên cơ sở thu mua nguyên liệu cũng dễ dàng hơn. Mỗi ngày, thu mua từ 4 -5 tấn cá mực ở các cửa biển Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), Đà Nẵng nên đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 110 lao động địa phương”. Ở các cơ sở buôn bán nhiên, nguyên liệu dầu, đá cây, lương thực… cũng hoạt động liên tục. Các triền đà, có nhiều tàu thuyền ra vào tu sửa máy móc… 

Mùa biển “no”, nhưng đến thời điểm này biển vẫn còn yên nên nhịp sống ở các làng chài vẫn luôn sôi động như mùa đánh bắt chính vụ.

Mai Hạ

Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!