Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân ở các xã bãi ngang ven biển phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo (XĐGN). Tuy nhiên, người dân vùng đất giàu tiềm năng này vẫn đang phải đối mặt với nhiều trăn trở trong hành trình xoá nghèo.
Khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi có hàng ngàn hộ dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và chế biển thủy sản. Để người dân có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, các công trình thủy lợi, y tế, giáo dục… Ngư dân đánh bắt xa bờ được hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48/CP của Chính phủ. Đến nay đã có 695 chủ tàu với 10.000 ngư dân được hỗ trợ chi phí nhiên liệu, trang thiết bị thông tin liên lạc, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu… với tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng. Nhiều hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh miễn phí; con em các gia đình khó khăn được miễn giảm các khoản đóng góp khi đi học.
Dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng để thông cửa biển Sa Huỳnh nhưng ngư dân ở đây vẫn chưa hưởng lợi được nhiều.
Không những thế, các hội đoàn thể còn phối hợp với ngân hàng chính sách, tạo điều kiện cho các hội viên của mình vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, với tổng dư nợ hiện nay lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều hộ vay cả tỷ đồng đầu tư cải hoán và đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để vươn khơi bám biển làm ăn.
Tuy vậy, đời sống của người dân vùng ven biển, hải đảo trong tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ bị thiên tai, “nhân tai”, dịch bệnh và hạn hán… đã lâm vào túng quẫn, nghèo đói, thậm chí là nghèo dai dẳng và gần như không có lối thoát. Ở nhiều gia đình, cái nghèo không đơn thuần phát sinh từ các yếu tố tự nhiên… mà còn do chính những yếu tố nội tại của hộ gia đình. Vì thế, phương thức “cho con cá” hay chỉ “cấp cần câu” để XĐGN như nhiều nơi đã làm thời gian qua tỏ ra không hiệu quả. “Nhiều gia đình có ý chí làm ăn, họ chỉ cần được hỗ trợ vốn, kỹ thuật là có thể tự sống và dần dần vươn lên được. Nhưng những hộ nghèo do các yếu tố nội tại, chủ quan thì rất khó thoát nghèo”- một lãnh đạo huyện Đức Phổ chia sẻ.
Theo thống kê của các ngành chức năng, đến cuối năm 2013, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ven biển có chiều hướng giảm, nhưng vẫn còn trên 65.000 hộ nghèo và cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các xã ven biển khoảng 16%. Nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao như: Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) trên 19%; Phổ Châu (Đức Phổ) 23,23%; An Vĩnh 25% và xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã đảo An Bình (Lý Sơn) 60%…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho rằng, điều kiện kinh tế -xã hội các địa phương ven biển trong tỉnh còn nhiều khó khăn, mật độ dân cư cao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ hậu cần nghề cá còn hạn chế nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn thấp so với mức độ thiệt hại của ngư dân. Giá cả nhiên liệu, phụ tùng máy móc, ngư lưới cụ ngày càng tăng. Trong khi đó, giá bán các sản phẩm hải sản không ổn định; dịch bệnh ở tôm nuôi làm nhiều gia đình thua lỗ… Do đó, người dân vùng ven biển và hải đảo trong tỉnh cần nhiều trợ lực hơn nữa mới mong có thể xoá đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu.