Mới cơn bão đầu mùa mưa – bão số 7, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong vùng có bến neo đậu tàu thuyền kiên cố lẫn ngoài vùng đều mệt nhoài tìm bến đậu an toàn. Có một nghịch lý là, dù tàu thuyền đã về sát mép bờ neo đậu nhưng bà con vẫn cứ phập phồng lo sợ tàu bị gãy lắp, đắm chìm hay trôi dạt.
Ông Nguyễn Hữu Ngọt ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho hay: Nếu bão vào vùng biển Quảng Ngãi thì ngư dân Bình Chánh sẽ khốn khổ nhiều. “Nhà tôi có 2 chiếc tàu, mỗi tàu có công suất trên 400CV. Khi nghe có bão là đưa tàu vào bờ ngay, nhưng neo đậu phía trong cửa biển Sa Cần thì không có chỗ. Chạy về khu neo đậu tàu thuyền xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) thì quá xa (tốn nhiên liệu gần 100 lít dầu) và nguy hiểm. Tôi đánh liều neo đậu trên dòng sông Trà Bồng để tiện theo dõi. Nếu lũ lớn đổ về thì nổ máy ghìm tàu để giữ vững con tàu trên sông, tránh trôi dạt”- ông Ngọt nói.
Cửa biển Mỹ Á bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền khó ra vào.
Ở xã Bình Chánh có 85 tàu thuyền có công suất từ 300 – 450CV hành nghề câu mực ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó có 35 chiếc kịp về bến Sa Cần (trong bão số 7) đều chung hoàn cảnh như tàu của ông Ngọt, phải giữ tàu trên sông bằng cách nỗ máy ghìm tàu.
Ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Sơn lo lắng: “Mới cơn bão đầu mùa mà ngư dân phải chạy tán loạn vì chuyện neo đậu tàu thuyền. Toàn huyện có 1.390 tàu thuyền, nhưng khu neo đậu tàu thuyền Sa Cần chỉ có sức chứa khoảng 100 chiếc. Khi nghe có bão, các chủ tàu đều hiểu rõ, đưa tàu vào khu neo đậu rất dễ bị va đập tàu nhưng họ cũng đánh liều đưa vào. Khi khu neo đậu quá tải, ngư dân đưa tàu về khu neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) để được an toàn hơn. Thế nhưng, tàu thuyền của các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Đức Phổ… đã neo đậu kín. Nhiều ngư dân bất đắc dĩ phải đưa tàu về dòng sông Trà Bồng neo đậu, đối mặt với rủi ro”.
Trong khi ngư dân Bình Sơn lo ngại tàu thuyền không có nơi neo đậu an toàn trong mùa mưa bão thì tại cửa biển Mỹ Á (Đức Phổ) đã có khu neo đậu trú tránh bão thật bề thế, nhưng tàu thuyền lại không thể vào được. Ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang (Đức Phổ), cho biết: “Toàn bộ hơn 100 tàu thuyền của ngư dân Phổ Quang vào bờ trú tránh bão số 7 vừa qua thì có khoảng gần 50 chiếc có công suất dưới 45CV vào neo đậu trong vũng. Số còn lại phải neo đậu trên dòng sông Thoa.
Rồi đợi khi nước thủy triều dâng cao lượng theo con nước vượt cửa biển bồi mới đưa tàu vào khu neo trú. Tính toán là vậy, nhưng nếu mưa bão xảy ra thì tàu thuyền của bà con khó tránh khỏi thiệt hại. Bởi vùng hạ lưu sông Thoa giáp cửa biển Mỹ Á là hợp lưu của 4 con sông (sông Trường, Trà Câu, Lò Bó và sông Thoa) nên lòng sông rộng và lưu lượng nước rất lớn”. Tình trạng này cho thấy, cửa biển Mỹ Á bị cát chắn ngang trở thành ranh giới giữa sự rủi ro và bình yên của tàu thuyền và ngư dân Phổ Quang. Lại một lần nữa ngư dân lại bức xúc về tiền tỷ đổ xuống cửa biển mà họ chẳng được một phút bình yên trong mùa mưa bão.
>> Quảng Ngãi có khoảng 5.700 tàu thuyền lớn tham gia khai thác hải sản (khoảng 1.770 chiếc hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa). Mùa mưa bão về những cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh là bến đỗ cho tàu thuyền. Tuy nhiên, với tình trạng cửa biển bồi và thiếu nơi neo đậu an toàn như hiện nay, chắc chắn ngư dân sẽ đối diện với lũ dữ trên sông, đối diện với tàu thuyền va đập khi chen chúc nhau neo đậu ở bến, ở sông trong những đợt mưa bão xảy ra. |