Vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là địa chỉ cho những con tàu cập bến trú bão an toàn. Các chủ phương tiện không phải âu lo sóng đánh vỡ tàu…
Bình yên trước bão
Trong bão số 11 ở vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) khá bình yên. Trong vũng neo đậu, tàu thuyền nằm san sát. Trên bờ, xe tải nhỏ chạy ngang dọc bến để chuyển cá lên bờ. Nhà máy sản xuất đá vẫn hoạt động, chuẩn bị đá cây cho tàu ra khơi sau bão… Ông Nguyễn Ân, chủ tàu QNg 97768 – TS cho biết: “Vào được đây là không còn lo nữa. Ngoài kia có sóng to, gió lớn như thế nào, thì ở đây vẫn không lo sợ tàu thuyền va đập, vì bến bình yên lắm !”. Còn chủ tàu Mai Văn Thư ở Sa Huỳnh (Đức Phổ) đưa tàu vào đây trú tránh bão, nói: “Chuyến biển đánh bắt dở dang thì gặp bão, nên chỉ thu được 1 tấn cá, kiếm khoảng 5 – 6 triệu đồng, lỗ tổn, nhưng tàu vào đây neo đậu thật an toàn”.
Ông Nguyễn Trung Châu – nhân viên vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, cho biết, từ đầu mùa mưa đến giờ, cứ có đợt bão nào đổ về là vũng neo đậu này chật kín. Mỗi đợt vũng neo đậu chứa từ 250 – 300 chiếc tàu công suất từ 90CV đến 400CV/chiếc. Có nhiều chủ tàu ở Bình Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận và các nơi khác trong tỉnh, sau những lần vào neo đậu là lấy số điện thoại của vũng để tiện liên hệ. Tiếc rằng, do âu thuyền nhỏ hẹp nên chỉ có sức chứa từ 250 – 300 chiếc. Nhiều tàu thuyền phải neo đậu trên luồng vào vũng.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão an toàn trong vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa.
Tuy vậy, theo bà con ngư dân thì, dù neo đậu như thế vẫn an toàn hơn các cửa biển khác. Bởi, vũng neo đậu này đường luồng vào cách cửa biển đến 3km, kín gió, không sợ thủy triều dâng cao hay nước sông đổ về đột ngột gây va đập, vỡ tàu. Đã qua bao mùa mưa, tàu thuyền về neo đậu ở Tịnh Hòa vẫn chưa có trường hợp nào bị va đập, vỡ, chìm tàu như các nơi khác.
Hậu cần nghề cá nhộn nhịp
Từ khi có vũng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa và qua vài đợt nạo vét thông luồng, tàu thuyền ra vào vũng neo đậu khá thông suốt. Các dịch vụ hậu cần nghề cá theo đó cũng phát triển. Ở vũng neo đậu này có 6 nhà phân loại cá, một nhà máy sản xuất đá cây. Tàu về neo đậu nhiều nên việc bán buôn càng thuận lợi. Bà Đỗ Thị Vàng ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) làm nghề thu gom cá, vui vẻ: “Có vũng này thuận lợi hơn dưới bến Sa Kỳ rất nhiều. Những năm trước có hôm tàu về nhiều mà không có bến đậu, nên chuyển cá từ ngoài vào rất xa. Chuyện mua bán vất vả lắm! Bây giờ thì khỏe rồi! Tàu vào bến, nhà phân loại cá sát một bên. Sau khi ngã giá, đóng gói là xe tải nhỏ đến chuyển cá đi dễ dàng”. “Ở bến này không phải khuân gánh cá. Tàu vào là có đội bốc xếp đưa cá vào nhà kho. Hôm nào tàu cập bến nhiều, các thuyền viên kiêm luôn bốc xếp nên vừa đỡ phần vất vả, vừa hạn chế chi phí so với các bến tư nhân” – chị Lý Thị Xuân, người mua cá chia sẻ.
Vẫn lo cháy nổ, trộm cắp
Ở vũng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa việc trú bão cho các con tàu vào mùa mưa bão rất thuận lợi. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Theo ông Châu – nhân viên của vũng neo đậu thì tình trạng tàu vào neo đậu khoảng 250 chiếc, mỗi chiếc có khoảng 10 thuyền viên, anh em thuyền viên ở lại trên tàu, nên vấn đề trật tự cũng là điều đáng lo ngại. Mặt khác, vấn đề cháy nổ cũng là một nỗi lo. Đã có 3 vụ cháy nổ xảy ra, nhưng vũng neo đậu đã kịp thời phát hiện, dập tắt. Bởi ở vũng neo đậu vật cháy nổ có nhiều như bình ga, dầu, vật liệu gỗ… Chỉ cần sơ suất là lửa cháy rồi lan nhanh, chữa không kịp là cả một vùng sẽ cháy rụi. Ngành chức năng cần hướng dẫn, đầu tư thiết bị phòng cháy chữa cháy, tăng cường lực lượng để bảo vệ an ninh vùng cảng.