Quảng Ngãi: Nuôi cá rô đồng thương phẩm – Mô hình mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản Việt Nam) – Trong những năm gần đây, cá rô đồng ở Quảng Ngãi ngày càng khan hiếm, do nhiều người sử dụng xung điện để đánh bắt, hủy diệt, dẫn đến nguồn cá tái sinh không nhiều. Trong năm 2010 trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình nuôi cá rô đồng thương phẩm tại xã Bình Trung có quy mô 1000 m2 (2 hộ tham gia).

Cá giống được thả nuôi từ ngày 08/6/2010 với mật độ 30 con/m2, cá sống đạt trên 90%. Ao nuôi được cải tạo gây màu nước tốt trước khi thả cá giống. Giai đoạn cá nhỏ cho ăn cám viên, khi cá được 1 tháng tuổi kết hợp giữa cám viên và thức ăn tự chế để giảm chi phí. Thức ăn tự chế biến gồm các thành phần: cá tạp, bánh dầu, rau muống cắt nhỏ, ngũ cốc các loại… Tất cả cho vào nồi với 1 lít nước, đun nóng và khuấy đều cho các thành phần kết dính lại.

Thức ăn được nắm lại thành từng nắm và cho vào sàn ăn đặt xung quanh ao. Hằng ngày cho cá ăn 2 lần; sau 2 giờ cho ăn tiến hành kiểm tra sàn ăn. Theo dõi, kiểm tra thường xuyên các chỉ tiêu của nước; thay nước cho ao nuôi hằng tuần khi thấy nước bẩn. Định kỳ 15 ngày bón vôi 1 lần, liều lượng 2 kg/100 m2 (vôi được hòa trong nước và tát đều khắp ao).

Trong quá trình nuôi cá phát triển tốt, không biểu hiện bệnh. Đến nay các đạt trọng lượng bình quân đạt 20 con/kg. Sản lượng cá đạt 1.300 kg, với giá bán hiện nay 30.000 đồng/kg, tổng thu 39 triệu đồng, tổng chi 29,5 triệu đồng, lãi 9,5 triệu đồng/1000 m2 (lãi 95 triệu đồng/ha mặt nước).

Vừa qua Trạm Khuyến nông Bình Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình. Tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà (nông dân tham gia mô hình) cho biết, với diện tích ao nuôi 600 m2 nuôi cá rô đồng, tổng chi trên 18,2 triệu đồng. Trong đó tiền cá giống 9 triệu đồng, thức ăn 8,1 triệu đồng, vôi bột 200 ngàn đồng, chi phí vận chuyển cá 900 ngàn đồng, dự kiến thu 810 kg cá đạt khoảng 24,3 triệu đồng, thì lãi trên 6 triệu đồng.

Theo ông Vũ Thế Sơn – Quyền trưởng Trạm Khuyến nông Bình Sơn nhận xét: So với các loại cá nuôi truyền thống khác thì cá rô đồng có một số ưu điểm được người tiêu dùng ưa chuộng như, thịt thơm ngon, bổ dưỡng, đầu tư kinh phí nuôi cá không lớn; đồng thời yêu cầu về kỹ thuật nuôi không quá khó nên phù hợp với nhiều hộ dân. So sánh với cá rô đồng tại địa phương thì cá rô từ mô hình có kích cỡ lớn hơn và thịt thơm ngon hơn.

Cũng theo ông Sơn, cá rô đồng ngoài tự nhiên hiện nay không đảm bảo "sạch" do bị ảnh hưởng bởi các hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật…) sử dụng trong sản xuất lúa nước. Nuôi cá rô đồng thương phẩm sẽ tạo ra sản phẩm đặc sản sạch cho nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là một mô hình mới có khả năng đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện nay tại Quảng Ngãi chưa có cơ sở sản xuất giống cá rô bột, nên phải vào tận các tỉnh phía Nam để mua giống.

N.Khâm

Báo Quảng Ngãi, 19/11/2010

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!