Những năm qua, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất đã đem lại hiệu quả cho hàng chục hộ dân ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Thậm chí, có hộ nuôi gần chục năm chưa từng xảy ra dịch bệnh.
Nuôi tôm trái vụ
Thay vì xuống giống từ tháng 2 – 3 theo lịch thời vụ, anh Nguyễn Công Văn, ở thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa lại bắt đầu vụ tôm từ tháng 6. Cách nuôi tôm trái vụ này đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho gia đình anh Văn gần 10 năm qua. Theo lý giải của anh Văn, đầu năm thời tiết còn mát mẻ nên thả tôm thuận lợi. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 5, thời tiết bắt đầu nắng nóng, nhiệt độ nước trong hồ tăng lên sẽ khiến tôm dễ bị dịch bệnh và chết.
“Mặc dù mỗi năm tôi nuôi ít vụ, nhưng nhờ tôm không dịch bệnh, lớn nhanh lại bán được giá nên gia đình tôi có thu nhập khá hơn, công sức bỏ ra cũng ít hơn so với các hộ nuôi nhiều vụ. Việc thả nuôi tôm trễ còn giúp tôi có thời gian xử lý ao hồ tốt, đảm bảo môi trường nuôi. Gần 10 năm tôi nuôi tôm chưa từng xảy ra dịch bệnh, đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình”, anh Văn chia sẻ.
Bên cạnh chọn cách nuôi trái vụ, anh Văn và các hộ nuôi tôm ở Tịnh Hòa còn chọn phương pháp nuôi 2 giai đoạn. Anh Văn chia sẻ, giai đoạn 1, chúng tôi thường thả tôm giống nhiều vào một ao nuôi. Giai đoạn 2, khi tôm lớn bằng đầu bột nhang, hoặc đầu nhỏ của chiếc đũa, tôi bắt đầu sang ra 2 – 3 hồ khác. Vì khi tôm lớn, cần lượng ô xy lớn nên mình phải giảm mật độ nuôi. Hơn nữa, việc thay đổi môi trường sống mới giúp tôm lớn nhanh, hạn chế dịch bệnh. Người nuôi có thời gian xử lý các ao hồ khác trước khi thả nuôi, đảm bảo môi trường nuôi.
Theo các hộ nuôi tôm, ngoài yếu tố thời tiết thì phía trên vùng nuôi tôm Tịnh Hòa có những cánh đồng lúa lớn. Vào khoảng tháng 3, tháng 4, lúa bước vào giai đoạn làm đòng. Thời điểm này, người dân bơm thuốc nhiều, dẫn đến nguồn nước theo sông chảy xuống bị ô nhiễm. Nếu người nuôi tôm lấy nước này vào hồ tôm thì tôm sẽ bị chết. Do đó, nhiều người nuôi tôm ở Tịnh Hòa thường “né”, không nuôi tôm vào khoảng thời gian này.
Đúc kết kinh nghiệm, phát huy hiệu quả
Nếu như người dân ở các vùng nuôi tôm khác ở các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, TX.Đức Phổ đã chuyển sang nuôi tôm trong ao lót bạt từ nhiều năm trước, thì ở xã Tịnh Hòa vẫn áp dụng phương pháp nuôi tôm trong ao đất truyền thống. Nuôi tôm trong ao lót bạt, ngày nào các chủ hồ cũng phải thay nước để làm sạch hồ, tránh lượng thức ăn còn dư lắng xuống đáy hồ, gây ô nhiễm. Còn nuôi tôm trong ao đất, người nuôi chỉ cần giữ đúng mực nước chuẩn, đảm bảo đủ lượng ô xy cho tôm phát triển. Vì vậy, người nuôi không cần thay nước hằng ngày, mà chỉ cần bơm nước bổ sung.
Ông Phạm Văn Vỹ, ở thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa cũng là một trong những hộ nuôi tôm hiệu quả tại địa phương. Hiện ông Vỹ có 5 hồ tôm, với diện tích khoảng 3.250m2. Trung bình mỗi vụ ông thả nuôi khoảng 10 vạn con. “Thực tình chúng tôi cũng không tài giỏi gì trong việc nuôi tôm, nhưng nhờ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi nên đem lại hiệu quả. Cái quan trọng nhất của nuôi tôm vẫn là kiểm soát môi trường nước, đảm bảo lượng ô xy trong nước, chứ không phải cho ăn nhiều là tôm lớn nhanh. Vậy nên, để đảm bảo lượng nước bơm vào hồ, hộ nuôi nào cũng trang bị giếng nước. Khi nhận thấy nguồn nước sông bị đục, không đảm bảo, chúng tôi sẽ dùng nước giếng”, ông Vỹ lý giải.
Bên cạnh phương pháp nuôi, cách bán tôm thương phẩm của người nuôi tôm ở Tịnh Hòa cũng khác biệt hơn các vùng nuôi khác. Thông thường, sau khi tôm đạt trọng lượng nhất định, người nuôi sẽ xuất bán 1 lần và dọn hồ nuôi lứa mới. Tuy nhiên, người nuôi tôm ở Tịnh Hòa lại chọn cách thu hoạch theo từng đợt, để giảm mật độ tôm trong ao. “Sau khi bán bớt, số tôm còn lại trong ao lớn rất nhanh và giá bán cũng cao hơn lứa tôm bán trước. Cách thu hoạch này còn giúp người nuôi có tôm bán thường xuyên, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt một lúc, dễ bị tư thương ép giá”, ông Vỹ phân tích.
Bài, ảnh: Hồng Hoa
Nguồn: Báo Quảng Ngãi