(TSVN) – Xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi là địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích mặt nước với nhiều lợi thế nuôi trồng thủy sản, mở ra hướng phát triển an toàn, bền vững, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Từng gắn bó với nghề đi biển, nhưng thu nhập không ổn định, anh Đỗ Văn Ý (34 tuổi), thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) đã đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tham quan mô hình nuôi tôm, anh Ý chia sẻ, sau khi vào tỉnh Bạc Liêu ở khoảng 1 tháng để tìm hiểu các mô hình nuôi tôm khoa học, anh cứ trăn trở mãi, muốn áp dụng công nghệ hiện đại này trên chính mảnh đất quê hương Quảng Ngãi, biến cơ sở của mình thành mô hình thí điểm, mở ra triển vọng mới trong sản xuất tôm bền vững, thân thiện môi trường.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng sinh học của anh Đỗ Văn Ý
Cách đây 2 năm, anh Ý bắt đầu xây dựng đầu tư hệ thống ao lót bạt, máy móc và công nghệ nuôi với 2 hồ nuôi, diện tích 900 m2. Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 1,7 tỷ đồng. Sau thời gian miệt mài học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, hiện mô hình nuôi tôm đã chủ động thời gian thả tôm, ít phụ thuộc thời tiết, mùa vụ, giúp tỷ lệ sống và năng suất cao.
Tính đến nay, anh Ý đã thu hoạch được 6 vụ tôm nuôi. Mới đây, anh xuất bán 4,5 tấn, với giá bán 222.000 đồng/kg tôm, thu lãi 550 triệu đồng.
Theo anh Ý, ưu điểm của mô hình nuôi này là tôm nuôi không có kháng sinh, chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hệ thống nuôi tuần hoàn không xả thải ra môi trường bên ngoài.
Dù mới bước đầu thực hiện nhưng anh Ý luôn có niềm tin thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của mình. Bởi, mô hình này ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, nước cấp vào ao nuôi được xử lý bằng Chlorine Gas (Clo khí) cùng với trang thiết bị công nghệ cao, như: Máy quạt tạo ôxy, trạm phát điện, hệ thống hạ tầng ao nuôi đồng bộ… Đặc biệt, công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng mà anh áp dụng là công nghệ rất tiên tiến, nuôi trong nhà bạt cải tiến.
“Tôi chuẩn bị xuống giống vụ mới để bán trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Tiếp tục sẽ đầu tư lưới che làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi, đảm bảo nhiệt độ hồ nuôi luôn được bảo đảm ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ, hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm”, anh Ý cho hay.
Sau thời gian dài vượt qua những khó khăn ban đầu, cộng với đam mê và nỗ lực tìm tòi học hỏi, ông Nguyễn Đó (78 tuổi), xã Nghĩa An, hội viên Chi hội nông dân thôn Tân Mỹ đã thành công với mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình. Hiện hai hồ nuôi cá của ông Đó với quy mô 4.500 m², với các loại cá điêu hồng, cá đối mục, cua. Bình quân mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Đến nay ông Đó có hơn 20 năm gắn bó nghề nuôi trồng thủy sản. Ông Đó cho biết: “Nghề nuôi trồng thủy sản đã nuôi sống bản thân và gia đình tôi. Trước kia cũng có một thời gian tôi đi biển, nhưng sau đó tôi đã chọn được làm nghề mình yêu thích, thỏa niềm mong ước, đồng thời đảm bảo kế sinh nhai bền vững”.
Ông Nguyễn Đó có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy hải sản
Hiện, hai hồ nuôi chủ lực là cá điêu hồng và cá đối, xen kẽ cua. “Tôi mới xuất bán 1 tấn cá đối mục. Cá điêu hồng hiện có giá 50 nghìn đồng/ kí, mỗi năm nuôi 2 vụ. Cá đối bán tại hồ 100 nghìn đồng/ kí, cua gạch giá từ 400 – 450 nghìn đồng/ kí, cua thịt 320 nghìn đồng/ kí.
“Nước ở khu vực này không bị ô nhiễm, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Qua bao nhiêu năm gắn bó nuôi thì tôi thấy mô hình này có hiệu quả, bởi con tôm và con cá, cua ở đây đều phát triển tốt”, ông Đó cho hay.
Theo ông Đó, để có nguồn thủy sản chất lượng cung cấp ra thị trường, người nuôi thủy sản phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ việc chọn con giống đến thức ăn, quy trình chăm sóc, xử lý mầm bệnh, đặc biệt là môi trường nước đóng vai trò quyết định đến chất lượng của vật nuôi.
Không giữ bí quyết cho riêng mình, ông Đó còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ nuôi thủy sản khác ở địa phương để cùng nhau phát triển. Tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và Hội Nông dân phát động.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa An Nguyễn Ngọc Trung cho biết, đối với địa phương người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên những năm gần đây, nghề khai thác hải sản không hiệu quả như những năm trước nên người dân đã chuyển đổi ngành nghề nuôi trồng thủy sản và đem lại hiệu quả kinh tế.
Nổi bậc hiện nay như mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bước đầu khẳng định tính hiệu quả cao và an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình của anh Đỗ Văn Ý có nhiều điểm mới, kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hình thành phương thức sản xuất mới, khai thác ưu thế địa phương.
Thời gian tới, Hội Nông xã sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ để chủ hộ nuôi đầu tư để nuôi tôm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, hạn chế được rủi ro dịch bệnh.
Mô hình nuôi trồng thủy sản của hội viên nông dân Nguyễn Đó trở thành điểm sáng trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đồng thời là mô hình điển hình thi đua “Dân vận khéo” ở địa phương, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, học hỏi từ nhiều hội viên trong vùng.
“Để hỗ trợ nông dân phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho hội viên, đồng thời có tạo điều kiện nguồn vốn vay đối với các hộ tham gia nuôi thủy sản có nhu cầu nguồn vốn”, ông Trung chia sẻ thêm.
Như Đồng