(TSVN) – Ngày 21/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Ủy ban biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội nghị công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2023.
Hội nghị nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về những vấn đề liên quan đến khu vực biển đảo, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những kiến thức pháp luật Quốc tế và trong nước về biển đảo đến các địa phương, nhân dân.
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Như Đồng
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã trình bày, thông tin về bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền và lợi ích Quốc gia trên Biển Đông trong tình hình mới, các đặc điểm của tình hình Biển Đông trong tình hình mới cũng như thành tựu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng và Nhà nước, phương hướng công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Biển Đông là một trong những biển nửa kín lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 3,5 triệu km², được bao bọc bởi 9 quốc gia: Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines.
Nhà báo Lê Văn Chương (bên trái) được trao tặng bằng khen. Ảnh: Như Đồng
Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng về mặt an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại… đối với không chỉ các quốc gia trong khu vực mà còn các quốc gia ngoài khu vực.
Biển Đông được xác định là “lợi ích cốt lõi”, “lợi ích quốc gia” và là một thành tố quan trọng trong chiến lược an ninh, đối ngoại. Đối với Việt Nam, Biển Đông tác động toàn diện đến an ninh và phát triển, với đường bờ biển dài trên 3.260 km, hàng nghìn đảo lớn nhỏ ven bờ cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có 28 tỉnh ven biển chiếm gần ½ tổng số các tỉnh thành trong cả nước, vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn (lên đến trên 700.000 km²).
Kinh tế biển giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia với mức đóng góp vào GDP cả nước khoảng 10%; GDP của 28 tỉnh ven biển luôn đạt trên 60% GDP cả nước trong giai đoạn 2008 – 2018. Ngoài ra, các ngành du lịch và dịch vụ biển, hàng hải, dầu khí và tài nguyên khoáng sản, hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo cũng mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra 2,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD (cá ngừ 1 tỷ USD, mực và bạch tuộc đạt 768 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18% đến 65%, trong đó: cá tra tăng mạnh nhất với 65%, cá ngừ 40%, mực và bạch tuộc 30%, tôm 14%.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu ý kiến nhằm phát huy tuyên truyền biển đảo, tạo niềm tin trong nhân dân nhận thức, hiểu biết về chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế biển, quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước về biển đảo.
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã tặng bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho Trung tá, nhà báo Lê Văn Chương, phóng viên báo Biên phòng vì đã có thành tích góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và lịch sử, truyền thống bám biển của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, với điển hình là xuất bản 3 tập sách Như Cây phong ba trên đảo Hoàng Sa.
Như Đồng