T2, 06/07/2020 10:10

Quảng Ninh: Bảo tồn bãi sá sùng ở Quan Lạn: Đâu là giải pháp hiệu quả?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề khai thác sá sùng ở xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) đã tạo việc làm cho 90% số người dân trong xã từ việc đào đến chế biến sá sùng. Tuy nhiên, việc khai thác không theo quy hoạch, khai thác theo kiểu tận diệt đang gây nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản quý giá này, cũng đồng nghĩa với việc mất công ăn việc làm của nhiều người dân. Vậy làm thế nào để nghề này phát triển bền vững, trong khi số người tham gia đào sá sùng đang ngày một đông lên?

Bãi sá sùng – “Niêu cơm” chung khó quản lý

Có thời điểm loài sá sùng ở Quan Lạn đã đứng trước nguy cơ cạn kiệt do sự săn bắt sá sùng chúa, hay còn gọi là sá sùng mẹ của những người dân vô ý thức trong xã. Sá sùng chúa có nhiệm vụ sinh sản nên chúng dài khoảng 30-40cm, và nặng gấp 15-17 lần con sá sùng bình thường và sống ở độ sâu từ 1m trở xuống. Từ năm 2009 trở về trước, rất ít người biết về sá sùng chúa, người ta chỉ hiểu mơ hồ rằng sá sùng từ cát sinh ra. Từ khi có sự xuất hiện của các kỹ thuật viên chế biến sứa người nước ngoài (Trung Quốc) ở Quan Lạn, họ dạy người dân xã làm nghề khai thác và chế biến sứa, rồi lại dạy luôn người dân xã cách khai thác sá sùng chúa. Nghề đào sá sùng lúc này lại đảo ngược, trước đây chỉ toàn là phụ nữ bây giờ lại chuyển thành nghề của đàn ông vì bắt sá sùng chúa đòi hỏi phải là người có sức khoẻ. Người ta đổ xô đi bắt sá sùng chúa vì nặng cân hơn, bán được giá hơn, mà không hề nghĩ đến nguy hại về sau. Sá sùng Quan Lạn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nếu không có sự vào cuộc tích cực kịp thời của các ngành chức năng xã. Anh Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn kể với chúng tôi những lần đi bắt những đối tượng khai thác sá sùng chúa, các anh cũng phải mặc quần áo cũ bẩn, đội nón rách dùng khăn che kín mặt rồi cũng đeo giỏ vác mai ra bãi như người đi bắt sá sùng thật. Khi tiếp cận và ngăn chặn đối tượng, các anh đã gặp phải sự chống đối quyết liệt. Có người vợ khi thấy chồng bị bắt thì xông vào cào, cấu cán bộ xã, cản trở việc đưa chồng họ về UBND xã xử phạt. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt và thường xuyên của các cán bộ xã cộng với sự tuyên truyền tích cực mà nạn khai thác sá sùng chúa coi như bị dẹp bỏ từ năm 2010.

Nghề đào và chế biến sá sùng tạo công ăn việc làm cho đa phần người dân Quan Lạn. 

Nghề đào và chế biến sá sùng tạo công ăn việc làm cho đa phần người dân Quan Lạn. 

Gần đây khi chúng tôi có dịp công tác ra xã Quan Lạn, đồng chí Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Công tác bảo tồn bãi sá sùng luôn là vấn đề nóng ở xã. Sau khi chúng tôi đã dẹp yên nạn săn bắt sá sùng chúa, công việc vẫn chưa hẳn là đã “xuôi chèo mát mái”, bởi hiện nay chúng tôi vẫn phải thường xuyên đối phó với những thành phần dùng xiếc điện để khai thác tôm trên bãi sá sùng”. Theo đồng chí thì việc đối phó với những người sử dụng xiếc điện không hề đơn giản, vì các đối tượng này cũng là người dân trong xã. Khi lực lượng chức năng của xã vừa xuất quân ra bến, người nhà của các đối tượng đã gọi điện thông báo để họ tháo nguồn điện từ bình ắc quy nối vào xiếc bắt tôm, coi như họ dùng ắc quy để thắp sáng bóng điện, nên không xử lý được. Có lần cán bộ xã phải lập mẹo, vờ như về huyện họp, rồi bất ngờ buổi tối ập về tóm gọn các đối tượng dùng xiếc điện, nhưng mẹo này cũng không làm được nhiều lần vì các đối tượng đã có kinh nghiệm. 

Loay hoay tìm giải pháp lâu dài 

Để bảo vệ “niêu cơm” chung và ngăn chặn các hình thức đánh bắt theo kiểu tuyệt diệt nguồn hải sản, trong đó có cả sá sùng, xã Quan Lạn đã họp bàn với các tổ dân làm nghề khai thác sá sùng và đưa ra giải pháp khoanh vùng bãi sá sùng. Theo đó, mỗi hộ sẽ đóng góp 100 nghìn đồng để đúc 1.000 chiếc cọc bê tông cắm trên toàn bộ 150ha bãi có sá sùng. Cọc bê tông chỉ để nhô cao khoảng 10-15cm, nếu tàu xiếc tôm vào bãi thì ngư cụ sẽ hỏng, buộc họ phải hành nghề ở bãi biển khác. Công việc này đang được bàn bạc để tiến hành và được mọi người ủng hộ. Tuy nhiên, nếu như nạn “xiếc tặc” dẹp xong, thì việc người dân khai thác hàng ngày với số lượng nhiều, sá sùng không có thời gian để sinh trưởng cũng dẫn đến nguồn sá sùng cạn kiệt. Hiện nay, hàng ngày trên bãi biển Quan Lạn vào tuần nước cạn ước tính có khoảng 500 người khai thác sá sùng, với sản lượng thu được hơn 500kg sá sùng tươi. Giá bán rao sá sùng tươi tại bãi khoảng 250.000 đồng/kg, người đào sá sùng có thu nhập khoảng 100-800 nghìn đồng/ngày đi biển. Công việc đào sá sùng đơn giản, kinh phí đầu tư ngư cụ ít (chỉ cần cái mai, cái giỏ), khiến cho phụ nữ cả xã ít người tính đến chuyện chuyển đổi sang nghề khác. 

Để tránh nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi sá sùng, đã có thời gian xã Quan Lạn đưa ra giải pháp là hạn chế số người đào sá sùng trên bãi, hoặc tổ chức khai thác có thời hạn để sá sùng có thời gian sinh trưởng. Tuy nhiên, bãi sá sùng rộng, nếu như thực hiện 2 giải pháp này thì đòi hỏi phải có lực lượng đông mà xã không có kinh phí để chi trả. Mặt khác, trong thời gian người dân bị cấm khai thác sá sùng họ sẽ làm gì để có thu nhập hàng ngày? Năm 2011 và 2012, Quan Lạn đã mở các lớp học nghề như phục vụ khách sạn, lái tàu nhưng số học viên chỉ dừng ở con số khiêm tốn, vì các nghề này không hoạt động được quanh năm do lượng khách du lịch chỉ đông về mùa hè. Quan Lạn nhiều rừng đồi tự nhiên thích hợp với nghề chăn nuôi, nhưng trong xã hiện mới có 3 hộ nuôi dê, 1 hộ nuôi vịt theo hướng sản xuất hàng hoá. Còn phần đông người dân ở đây vẫn ngoảnh mặt với cách làm ăn mới này tuy doanh thu không phải là thấp, bởi theo các hộ chăn nuôi thì sản phẩm của họ không đủ để bán trong mùa du lịch. Nhìn chung đa phần người dân trong xã vẫn đều tôn vinh nghề đào sá sùng. Một thợ đào sá sùng cho hay: “Chăn nuôi mệt lắm, phải vay vốn lớn, đồng tiền bỏ ra hàng năm mới thu về được, lại còn nhức đầu với phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, không cẩn thận là trắng tay. Đào sá sùng vốn chẳng phải vay mượn ai, buổi sáng ra bãi trưa về là có tiền trăm trong túi rồi”. 

Trong một buổi họp dân ở xã để bàn về cách bảo tồn bãi sá sùng mà tôi được tham gia, có hộ dân đưa ra ý kiến: “Nên chia bãi sá sùng riêng rẽ cho từng hộ giống như việc nhà nước giao đất giao rừng, khi đó người dân sẽ tự bảo quản phần bãi mà mình đã được nhận. Còn nếu như để khai thác cộng đồng, thì người dân sẽ mang tư tưởng “sợ thiệt”, từ đó họ sẽ mất đi ý thức bảo quản cộng đồng”. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã thì lại đưa ra ý kiến khác: “Việc chia bãi không đơn giản, vì bãi biển Quan Lạn tuy rộng nhưng chỉ có khoảng 150ha là có sá sùng. Sá sùng lại phân bố không đều chỗ nhiều chỗ ít. Nếu chia đều cho cả hơn 800 hộ dân Quan Lạn thì mỗi người chỉ được nhận hơn 1ha, đó chưa kể là hàng năm số hộ dân tăng lên thì lấy đâu nữa mà chia. Ai sẽ nhận chỗ bãi ít sá sùng? Sau đó lại xảy ra tranh chấp khác còn mệt hơn, thậm chí mất ANTT vì người này vào bãi người khác khai thác khi bãi của nhà mình ít sá sùng”. 

Vậy là, cách này không được mà cách khác cũng khó, xem ra việc bảo tồn bãi sá sùng ở Quan Lạn vẫn là bài toán nhức đầu và chưa tìm ra được lời giải.

Công Thành

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!