Quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu của Bộ NN&PTNT có hiệu lực từ ngày 1-10-2010. Tuy nhiên, sau gần 2 năm Quy chế này có hiệu lực thì phần lớn ngư dân Quảng Ninh vẫn “thờ ơ” và các doanh nghiệp thì buộc phải tìm cách đối phó.
Để chứng nhận thuỷ sản khai thác hợp pháp, một trong những quy định có tính bắt buộc là tất cả các tàu khai thác thuỷ sản phải ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác đầy đủ theo quy định. Trong khi ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền cho bà con ngư dân về nội dung này, cấp phát nhật ký khai thác đến từng chủ phương tiện tàu thuyền nhưng phần lớn bà con ngư dân chưa thực hiện việc ghi nhật ký khai thác thuỷ sản. Ông Châu Văn Nam, ngư dân xã Hạ Long (Vân Đồn), chủ một tàu khai thác tại ngư trường Bạch Long Vỹ cho biết: “Khai thác thuỷ sản đã nhiều năm nay nhưng gần đây tôi mới thấy quy định phải ghi chép nhật ký khai thác, đánh bắt tôm cá ở đâu, loại gì. Từ trước đến nay, khai thác được bao nhiêu là tôi bán ngay cho các chủ tàu thu mua tại ngư trường. Gần đây, cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có tổ chức tuyên truyền về quy định này và phát nhật ký khai thác cho chúng tôi. Tuy nhiên, phần lớn việc ghi chép cũng chỉ ghi lại lịch trình khai thác chứ mấy khi ghi nhật ký về khai thác những loại gì vì phần lớn bà con chỉ quan tâm đến việc có bán hết thuỷ sản khai thác không chứ không hề quan tâm đến việc tôm cá của mình tiếp đó được bán đi đâu, có xuất khẩu hay không”. Ông Bùi Văn Đoàn, một ngư dân phường Tân An (Quảng Yên) có nhiều năm làm nghề câu khơi thì cho hay: “Việc phải ghi nhật ký khai thác thuỷ sản theo quy định của ngành chức năng chúng tôi cũng được biết song theo tôi thấy thì chẳng mấy ai thực hiện vì ngư trường rất quan trọng đối với nghề. Không ai lại đi khoe với các tàu khác khu vực có nhiều tôm cá. Nghề câu khơi thường là cá to. Còn nghề giã ván thì không loại trừ loại thuỷ sản gì, to hay bé, cứ kéo được con gì lên thì sau đó mới phân loại để bán”.
Thuỷ sản khai thác được ngư dân bán tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn).
Ngư dân vì giấu ngư trường, vì chi phí cho mỗi chuyến khai thác tăng cao mà không quan tâm đến việc thực hiện việc ghi nhật ký khai thác theo quy định. Còn các chủ thu mua thuỷ sản cũng không quan tâm đến những gì Quy chế quy định. Hầu hết các chủ tàu thu mua thuỷ sản khi được hỏi đều không quan tâm đến việc sản phẩm họ mua được của ngư dân khai thác ở đâu. Thuỷ sản thu mua được tại ngư trường, sau khi phân loại, các chủ tàu bán lại cho các tư thương tại các chợ hoặc các điểm thu mua thuỷ sản của các công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu.
Trong khi ngư dân và người thu mua thuỷ sản không thực hiện các quy định của Quy chế thì các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vẫn phải thực hiện đúng quy định thì mới xuất được hàng. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản cho biết, họ thường mua nguyên liệu qua các đại lý chứ không trực tiếp thu mua từ ngư dân, nếu có thì nguồn này cũng rất ít. Để xuất hàng sang thị trường châu Âu, bên cạnh bộ phận thu mua nguyên liệu các doanh nghiệp phải thành lập đội ngũ chuyên tập hợp thông tin từ phía ngư dân để làm nguồn gốc hàng hoá, song đây chỉ là một hình thức để đối phó vì nếu có xuất khẩu thuỷ sản, các doanh nghiệp chỉ cần chứng nhận của cơ quan chức năng. Trong khi đó, các đại lý này thu mua của hàng chục, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt trên biển. Hơn nữa, hầu hết ngư dân còn giấu ngư trường nên việc buộc họ phải ghi nhật ký khai thác, khai báo nơi khai thác là rất khó.
Để bà con ngư dân và các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định này, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân về nội dung của quy chế, cấp nhật ký khai thác thuỷ sản cho các chủ tàu trong toàn tỉnh. Được biết, từ đầu năm đến nay Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã cấp mới, đổi và gia hạn 855 giấy phép khai thác thuỷ sản cho các chủ phương tiện. Hiện nay trong tỉnh mới chỉ có Công ty Xuất khẩu thuỷ sản II thực hiện việc chứng nhận thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu thông qua Chi cục Khai thác thuỷ sản, còn hầu hết các doanh nghiệp khác đều không thực hiện quy định này vì theo họ, thực hiện đúng được Quy chế là rất khó nên các doanh nghiệp đều chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
>> Theo Quy chế chứng nhận thuỷ sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khi tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản vi phạm một trong số hành vi như: Khai thác thuỷ sản mà không có giấy phép khai thác hợp lệ, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; không hoàn thành nghĩa vụ ghi nhật ký và báo cáo khai thác thuỷ sản theo quy định; khai thác trong vùng cấm khai thác, thời gian cấm khai thác, các loài thuỷ sản cấm khai thác hoặc khai thác các loài có kích thước nhỏ hơn quy định cho phép khai thác; sử dụng ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; che giấu, giả mạo hoặc huỷ chứng cứ vi phạm các quy định liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản… |